Bãi tập kết phế thải hoạt động “chui”, trách nhiệm thuộc về ai?
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung và quận Hoàng Mai nói riêng, tòa soạn Sức khỏe và Môi trường thực hiện Chuyên đề: "Tăng cường công tác quản lý chất thải rắn nhằm bảo vệ môi trường". Nhóm phóng viên (PV) Sức khỏe và Môi trường đã ghi nhận nhiều ý kiến của người dân quanh khu vực phường Thanh Trì về việc này. Đa số đều bày tỏ sự lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường và nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đê điều, phòng chống lũ lụt trong mùa mưa bão.
Ngày 11/6, PV có khảo sát tại gầm cầu Thanh Trì thuộc tổ 11, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tại đây cho thấy, có một bãi phế thải lớn nằm lộ thiên với đủ loại chất thải được tập kết, bao gồm: rác thải sinh hoạt, trạc thải xây dựng, bùn, đất, nilon và các loại chất thải cồng kềnh khác. Bên trong, có nhiều máy múc công suất lớn đang hoạt động tích cực, chất thải chuyển lên các xe mang biển số 29C-402.15, 29H-653.77, 29H-614.20, 29H-853.52 để vận chuyển đi Hưng Yên tiêu thụ. Hoạt động này diễn ra công khai vào ban ngày cho thấy sự kiểm soát từ phía chính quyền địa phương là không có. Đáng lo ngại hơn là nhiều lao động trung niên, đang tham gia phân loại chất thải nhưng không được trang bị bảo hộ lao động. Đây là điều đáng lo ngại về nguy cơ tai nạn lao động và các vấn đề sức khỏe cho những lao động ở đây.
Toàn cảnh từ trên cao bãi chất thải xây dựng nằm lộ thiên dưới chân cầu Thanh Trì gây ô nhiễm môi trường. |
Nhiều lao động trung niên, đang tham gia phân loại chất thải nhưng không được trang bị bảo hộ lao động |
Tiếp tục ghi nhận chiều ngày 4/7, có hàng loạt xe tải, trong đó có cả xe của Công ty môi trường, ngang nhiên vận chuyển chất thải xây dựng, chất thải sinh hoạt đổ vào bãi tập kết. Thậm chí bên trong, công nhân còn cho đốt rác, khiến khói đen bốc lên mù mịt, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Xe của công ty môi trường, ngang nhiên vận chuyển chất thải xây dựng, chất thải sinh hoạt đổ vào bãi tập kết |
Hàng ngày các đối tượng tổ chức đốt rác, khiến khói đen bốc lên gây ảnh hưởng đến khu vực xung quanh và người tham gia giao thông |
Theo một chiếc xe Hovo mang biển số 29H-852.53, vận chuyển chất thải từ bãi tập kết đi tiêu thụ với chặng đường 15km, điểm dừng chân của chiếc xe này là dự án xây dựng một tòa nhà cao tầng. Quá trình di chuyển, do che chắn sơ sài nên bụi bẩn bay vãi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Xe “4 chân” Hovo lấy phế thải từ bãi tập kết dưới chân cầu Thanh Trì vận chuyển đi bán tại địa bàn Hưng Yên |
Theo tìm hiểu của PV, khu đất này, trước đây thuộc dự án thí điểm nghiền, tái chế chất thải rắn xây dựng, được thành phố Hà Nội giao cho Công ty cổ phần Xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội thực hiện. Tuy nhiên, kể từ cuối năm ngoái, khi dự án thí điểm kết thúc Công ty đã có công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai và UBND phường Thanh Trì để báo cáo tạm dừng hoạt động tiếp nhận phế thải xây dựng tại khu đất này. Nhưng kể từ đầu năm 2024, nhiều đối tượng, cá nhân và tổ chức đã lợi dụng kẽ hở quản lý, biến nơi đây thành khu vực tập kết, mua bán phế thải xây dựng bất hợp pháp.
Mặt khác, theo quy định của Luật Đê điều và chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, từ ngày 15/6 đến 31/10 hàng năm, các địa phương phải dừng hoạt động khai thác, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ở bãi sông, ven đê để bảo đảm an toàn hành lang mưa lũ. Tuy nhiên, thời gian gần đây các đối tượng vẫn liên tục mang đất thải, phế thải và chất thải cồng kềnh về đây đổ lộ thiên tại khu vực chân cầu Thanh Trì. Hành động này không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ rất cao.
Để làm rõ tình trạng đổ thải bất hợp pháp tại khu này, ngày 24/7, PV đã có cuộc trao đổi với đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàng Mai. Bà Nguyễn Thị Thúy Bích, chuyên viên phòng Tài nguyên Môi trường, người phụ trách chính phường Thanh Trì thông tin: Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 665/UBND-TNMT ngày 13/3/2024 về việc dừng triển khai thí điểm tiếp nhận, trung chuyển và xử lý tái chế chất thải rắn xây dựng tại khu vực này.
Sau đó, UBND quận Hoàng Mai cũng đã ra Văn bản số 2062/UBND-TNMT ngày 5/7/2024 về việc xử lý dứt điểm các vi phạm quản lý đất đai, đê điều, bảo vệ môi trường tại khu đất dự án thí điểm nghiền chất thải xây dựng tại phường Thanh Trì và yêu cầu các đơn vị: UBND phường Thanh Trì, Công an quận, Đội QLTTXD Đô thị, Hạt đê số 5 kịp thời ngăn chặn, kiểm tra, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm tại khu đất trên. Đồng thời giao các phòng Tài nguyên và Môi trường, Quản lý đô thị, Nội vụ chủ động, kiểm tra đôn đốc việc tổ chức thực hiện xử lý vi phạm, báo cáo kết quả về UBND quận và đề xuất xem xét trách nhiệm của các tổ chức cá nhân, không thực hiện, chậm thực hiện các nội dung chỉ đạo.
UBND quận Hoàng Mai đã có văn bản chỉ đạo phường Thanh Trì và các phòng ban vào cuộc xử lý sự việc, tuy nhiên vi phạm này vẫn tiếp diễn, phường Thanh Trì chưa biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm khiến người dân vô cùng bức xúc. |
Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy chỉ đạo này dường như chưa được thực hiện. Bởi lẽ, ngay sau cuộc làm việc với cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàng Mai, PV đã quay trở lại khu vực bãi tập kết chất thải để ghi nhận tình hình. Cảnh tượng tại đây vẫn không có gì thay đổi: nhiều máy múc vẫn đang hoạt động, công nhân tiếp tục phân loại rác thải, phế thải mà không được trang bị bất kỳ thiết bị bảo hộ lao động nào. Đáng chú ý, các phương tiện vận tải vẫn liên tục chở phế thải từ khắp nơi đổ về đây. Điều đáng nói, hoạt động đổ thải tại đây không chỉ đơn thuần là xả chất thải bừa bãi mà còn mang tính chất "kinh doanh” với việc thu phí đổ thải và bán lại phế thải cho các dự án san lấp khác.
Trước vấn nạn vận chuyển, tập kết, mua bán chất thải rắn xây dựng tại phường Thanh Trì diễn biến ngày càng phức tạp với quy mô lớn, các nhóm đối tượng hoạt động liều lĩnh, công khai bất chấp quy định của pháp luật, đề nghị UBND TP. Hà Nội, Công an TP. Hà Nội, UBND quận Hoàng cần nhanh chóng kiểm tra và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi để bãi phế thải hoạt động trong thời gian dài, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa bão.