Hội thảo thực trạng và các chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam
Sáng 14/05, tại Hà Nội, diễn ra hội thảo thực trạng và các chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam.
Tham dự hội thảo có: GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế; TS. Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; bà BS. Scorro Escalante, Điều phối viên nhóm phát triển hệ thống y tế, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Bộ xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện lãnh đạo Vụ, Cục, Viện, Bệnh viện…
GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Việt Nam đang phải đương đầu với những khó khăn thách thức to lớn để giải quyết gánh nặng bệnh tật kép. Trong khi tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp do sự xuất hiện của một số dịch bệnh mới nổi, nguy hiểm; Tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng liên tục trong gần 3 thập kỷ qua (năm 1986 tỷ lệ bệnh không lây nhiễm là 40%, năm 2010 tăng lên 71%, gấp hơn 3 lần các bệnh lây nhiễm).
Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc. Hiện tại nước ta có khoảng 12,5 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp, 2,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, trên 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản và mỗi năm có khoảng 125.000 người mắc mới ung thư. Bên cạnh đó, các bệnh không lây nhiễm gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị, theo dõi, chăm sóc lâu dài.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm đang ở mức cao và gia tăng như: lối sống ít vận động, hút thuốc lá, uống rượu bia và thức ăn có chứa nhiều chất béo. Ước tính nước ta có khoảng 16 triệu người hút thuốc, cứ trong 4 nam giới có uống rượu bia thì có 1 người uống quá nhiều tức là uống trên 60g rượu nguyên chất/ngày, khoảng 7 triệu người đang bị thừa cân béo phì, gần 1/3 số người trưởng thành bị tăng cholesterol máu, trong khi đó tỷ lệ người 30-69 tuổi bị tiền đái tháo đường chiếm gần 13%...
TS. Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo TS. Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Bệnh không lây nhiễm không những gây thiệt hại về sức khỏe cho người dân mà còn là gánh nặng kinh tế đối với mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Sự gia tăng của bệnh không lây nhiễm làm tăng chi phí khám chữa bệnh.
Phòng chống bệnh không lây nhiễm là một chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Chính phủ. Các bệnh không lây nhiễm có thể dự phòng hiệu quả thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh và sâu xa hơn cần giải quyết nguyên nhân liên quan đến yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường như toàn cầu hóa, đô thị hóa, già hóa dân số... Vì thế riêng ngành y tế không thể làm được mà cần phải có sự tham gia mạnh mẽ của các Bộ, ngành liên quan và của toàn xã hội. Cần phải có các giải pháp tổng thể, toàn diện, bao gồm các chính sách liên ngành để kiểm soát thuốc lá, rượu bia, tạo môi trường để tăng cường hoạt động thể lực, thúc đẩy dinh dưỡng lành mạnh và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời phải phát triển hệ thống y tế nhằm dự phòng, giám sát, phát hiện sớm và quản lý điều trị bệnh liên tục và lâu dài trên nền tảng chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Bà Socorro Escanlante, Điều phối viên nhóm phát triển hệ thống y tế, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu tại hôi thảo
Tại hội thảo các đại biểu đại diện Tổ chức Y tế thế giới, đại diện các Viện, Bệnh viên đã đưa ra các vấn đề về thực trang bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam để thảo luận như: Bệnh Ung thư, Bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản…
GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo
Đặc biệt GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng có bài “ Đưa nội dung phòng, chống bệnh không lây nhiễm vào chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm củng cố và hoàn thiện y tế cơ sở”; bài “ Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Quỹ nâng cao sức khỏe tại Thái Lan” của BS. Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc HealthBridge tại Việt Nam; bài “Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm và đề xuất hoạt động trọng tâm trong thời gian tới” của TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn chia sẻ, cung cấp các thông tin cập nhật về gánh nặng bệnh tật, những khuyến cáo và bài học kinh nghiệm quốc tế và yêu cầu cấp thiết cần phải ưu tiên cho công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam.
Thứ trưởng hy vọng thông qua hội thảo này các nhà quản lý, các chuyên gia quốc tế và các nhà chuyên môn có được các giải pháp, chính sách để tổ chức thực hiện thành công Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025. Để làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thứ trưởng cũng cảm ơn Các Bộ, Ban, Ngành, các cơ quan trung ương, địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí, Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức dân sự xã hội trong nước và quốc tế đã, đang và sẽ đồng hành, gắn bó, ủng hộ ngành Y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe nói chung và phòng chống bệnh không lây nhiễm .
Nguồn: Ban biên tập Cổng TTĐTBYT