Hủy hoại môi trường bị coi là tội ác chống lại loài người
(SK&MT) - Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cho biết từ năm 2017 họ sẽ bắt đầu tập trung vào việc thụ lý và xét xử những tội phạm liên quan đến hành vi hủy hoại môi trường, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên vì bị coi đó là tội ác chống lại nhân loại.
Việc chiếm đất và di dời quy mô lớn là một trong những nguyên nhân hủy hoại môi trường (ảnh minh họa)
Trước đây, người ta thấy tội ác chống lại loài người chỉ tập trung vào nhóm hành vi bạo lực hay sử dụng vũ lực. Bây giờ, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, người gây ra tội ác không cần dùng đến hành vi bạo lực hay vũ lực, mà có thể sử dụng các loại vũ khí hóa học, sinh học, thậm chí sử dụng môi trường như một vũ khí hủy diệt. Đặc biệt, giờ đây con người bắt đầu nhận ra (cũng bắt đầu thấy sợ hãi) một cách trực tiếp rằng, hủy hoại môi trường sống chính là lấy đi cơ sở nền tảng quan trọng nhất để con người có thể tồn tại. Vì thế, hủy hoại môi trường chính là một tội ác chống lại loài người. Tuyên bố của ICC phản ánh nhận thức chung của toàn xã hội loài người về mức độ nghiêm trọng của sự phá hủy môi trường hiện nay, về tầm quan trọng của môi trường và trách nhiệm bảo vệ môi trường của con người.
Bà Alice Harrison của Global Witness nói với hãng tin Reuters: “Sự thay đổi này có nghĩa là tòa án có thể bắt đầu buộc những giám đốc điều hành của những công ty lớn chịu trách nhiệm về việc chiếm đất và di dời quy mô lớn xảy ra trong thời bình”.
Chiếm đoạt đất đai đã trở nên ngày càng phổ biến khắp thế giới, với việc những chính phủ cấp quốc gia và địa phương cấp hàng chục triệu hecta đất cho những công ty tư nhân trong 10 năm qua. Những nhà vận động chống tham nhũng thuộc tổ chức Global Witness nói điều này đã dẫn đến nhiều vụ cưỡng chế di dời, sự diệt chủng văn hóa của những dân tộc bản địa, sự suy dinh dưỡng và sự hủy hoại môi trường.
Trên thực tế và trong lịch sử xã hội loài người, mặc dù hành vi hủy hoại môi trường hay chiếm đoạt đất đai những năm gần đây đã bị xem là tội phạm hình sự tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, đánh giá (quốc tế) theo hướng đây là “tội các chống nhân loại” và đưa ra truy tố, xét xử tại các tòa án quốc tế, như tòa án hình sự quốc tế ICC là điều chưa từng có. Đặc biệt là hướng đến việc truy tố xét xử chủ thể là “chính phủ”.
Các nhà vận động chiến dịch và các luật sư nhân quyền cho rằng sự thay đổi này của ICC cho thấy thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của các tội ác gây ra với môi trường. Nó cũng giúp các nạn nhân có thể tìm công lý thông qua hệ thống tòa án hình sự quốc tế nếu đơn khiếu nại của họ không được giải quyết ở cấp tòa án trong nước.
Theo tổ chức Global Witness, năm 2015 là năm xảy ra nhiều nhất các vụ xung đột bạo lực liên quan tới vấn đề đất đai với tỉ lệ cứ mỗi tuần lại có 3 người thiệt mạng trong các vụ xung đột đất đai với các công ty khai khoáng, khai thác gỗ, doanh nghiệp xây dựng đập thủy điện hoặc kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.
Linh Đức