Kiểm soát bất cập trong quản lý môi trường từ hoạt động chế biến, khai khoáng - Bài 1: Hiện trạng không khí, nguồn nước nhiễm bụi đá ở Liễu Đô
Trên địa bàn huyện Lục Yên xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản. Trong đó, cũng có những đơn vị xây dựng nhà máy chế biến tài nguyên ngay tại chỗ. Điều đáng nói, từ khi những doanh nghiệp này xuất hiện, vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng.
Thực trạng môi trường tại thôn Cây Thị, xã Liễu Đô là một ví dụ điển hình. Ngày ngày, hàng trăm chuyến xe trọng tải lớn gầm rú, bụi bay mù mịt. Con suối chạy qua thôn Cây Thị, nhiều tháng nay biến màu lạ thường, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Người dân địa phương cho biết, vài năm gần đây, khi Công ty cổ phần Stone Base Việt Nam hoạt động trên địa bàn, có nhà máy sản xuất bột đá và các sản phẩm khác liên quan đến đá trắng, như chất độn nhựa PE và PP, đá chip form,… khiến môi trường xung quanh bị tàn phá nghiêm trọng.
Theo ghi nhận của PV, nhà máy này được xây dựng với quy mô rất lớn, tập trung nhiều loại máy móc phục vụ cho hoạt động đập đá, nghiền đá, quay đá…
… cả ngày lẫn đêm, khói bụi từ nhà máy tỏa ra phủ kín khu vực, cây xanh quanh nhà máy cũng ngả màu trắng bởi bụi bột đá bám dính.
Cạnh nhà máy là con suối phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt của người dân địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây con suối thường xuyên xuất hiện màu lạ, bốc mùi khó ngửi.
Ngược dòng con suối, cách chỉ khoảng 300m từ nhà máy của Công ty cổ phần Stone Base Việt Nam, có 2 điểm xả thải trực tiếp ra môi trường. Điểm xả thải thứ nhất, nguồn nước chảy từ nhà máy qua rãnh đất được đào rộng khoảng 60cm, nước thải chảy liên tục, có màu xanh đậm, khi hòa vào dòng suối nước có bọt và trở nên đục hơn.
Điểm xả thứ hai cũng được bố trí tương tự điểm xả đầu, và làm cho dòng suối đổi màu, trắng cả một vùng.
Theo một người dân cho biết, trước đây con suối này nhiều cá, mỗi ngày có thể bắt được hàng yến cá. Nước từ suối được bà con dùng để sinh hoạt và tưới tiêu. Nhưng từ khi nhà máy hoạt động, mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, không khí ô nhiễm, dòng suối thường xuyên đổi màu, nguồn nước không thể sử dụng.
Thực trạng môi trường sống của người dân thôn Cây Thị đang dần bị “bức tử” bởi hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và công tác xử lý vấn đề môi trường không đảm bảo chất lượng. Thiết nghĩ cơ quan chức năng nên sớm vào cuộc kiểm tra, lấy mẫu quan trắc để đánh giá chất lượng môi trường và nguồn nước, có biện pháp xử lý triệt để, giúp người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.
Việc đánh giá vấn nạn môi trường ở Lục Yên phải dựa trên cơ sở khoa học, và để khẳng định có hay không những hệ lụy từ thực trạng khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp, chúng tôi sẽ phân tích, khảo sát từ thực tiễn đến hệ thống quy phạm pháp luật. Qua đó, sẽ cho thấy, Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); kết quả quan trắc định kỳ; quy trình vận hành và xử lý nước thải, chất thải, không khí; giấy phép xả thải, giấy phép khai thác khoáng sản; đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; ký quỹ phục hồi môi trường, công tác hoàn thổ… có được thực thi đúng Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Đất đai... và đúng công nghệ thiết kế, dây truyền sản xuất hiện nay của nhà máy hay không. Vấn đề này, Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong bài viết sau.
Nhóm PV