Liệu chúng ta có thể học trong lúc ngủ?
(Suckhoemoitruong.com.vn) - Học tập trong khi ngủ đã từng được coi là điều không tưởng.
Não bộ có thể tăng cường lưu giữ thông tin trong lúc ngủ?
Trong khi không có phương pháp nào cho phép bạn học kỹ năng từ đầu khi không có ý thức, điều đó không có nghĩa là bạn không thể dùng giấc ngủ để tăng cường trí nhớ. Theo các nhà thần kinh học, trong suốt buổi đêm, não bộ của chúng ta bận rộn xử lý và hợp nhất các ký ức của chúng ta từ ngày hôm trước và có thể có các cách để đẩy mạnh quá trình đó.
Và trong thực tế, dù không thể tiếp nhận được thông tin mới, nhưng bộ não khi ngủ vẫn làm việc: nó nghĩ về các trải nghiệm trong ngày, chuyển ký ức từ vùng đồi thị - nơi được cho là hình thành trí nhớ - tới các vùng trên khắp vỏ não, nơi chúng được lưu trữ lâu dài.
“Nó giúp làm ổn định ký ức và hợp chúng lại thành một mạng lưới ký ức lâu dài” (Susanne Diekelmann, Đại học Tubingen, Đức). Giấc ngủ cũng giúp chúng ta tổng quát hóa những gì đã học, cho ta sự linh hoạt để sử dụng các kỹ năng khi đối mặt với các tình huống mới. Bởi vậy, dù bạn không thể học các điều mới, thay vào đó bạn có thể củng cố các kỹ năng hoặc kiến thức học được trong ngày.
Giám sát hoạt động não bộ của người khi ngủ cho thấy họ không thể học các kỹ năng mới trong lúc ngủ.
Và những trải nghiệm thú vị
Cho đến ngày nay, có một số phương pháp đã cho thấy tính hứa hẹn và trải nghiệm đơn giản nhất ra đời từ nghiên cứu của một quý tộc tên Marquis d’Hervey de Saint-Denys sống vào thế kỷ 19 ở Pháp. Khi ông khám phá ra một số cách để điều khiển giấc mơ của mình, Marquis thấy rằng ông có thể nhớ lại một số sự kiện với mùi hương, vị và âm thanh liên quan.
Trong một thí nghiệm, ông vẽ một người phụ nữ ăn mặc hở hang khi nhai một mẩu rễ cây hoa diên vỹ; khi người hầu đặt mẩu rễ vào miệng ông khi ông đang ngủ, trong giấc mơ, vị chát đã gợi lại hình ảnh của người phụ nữ xinh đẹp trong phòng giải lao của nhà hát. Trong cuốn sách “Những giấc mơ và cách để kiểm soát chúng”, ông viết: Cô ta mặc “một bộ đồ không thể chấp nhận được đối với hội đồng nhà hát”.
Một lần khác, ông yêu cầu người điều khiển dàn nhạc chơi một bản valse nhất định bất cứ khi nào ông nhảy với 2 người phụ nữ đặc biệt quyến rũ. Sau đó ông sửa một chiếc đồng hồ thành một cái hộp nhạc, để nó chơi những giai điệu giống như vậy suốt đêm, dĩ nhiên sẽ gợi lại hình ảnh những bóng hồng trong bộ não đang say giấc của ông.
Còn với nhà khoa học Diekelmann tới từ Đức, bà đã yêu cầu các tình nguyện viên chơi một trò chơi, trong đó họ phải nhớ một loạt các vật trong một cột dọc trước khi đi ngủ trong phòng thí nghiệm của bà. Một số tình nguyện viên được tiếp xúc với một mùi hương nhân tạo nhẹ khi họ chơi và sau đó Diekelmann cho họ ngửi mùi hương đó khi họ ngủ.
Quét não cho thấy những người này có sự liên lạc giữa vùng đồi thị và một số vùng vỏ não nhiều hơn so với những người không có tín hiệu mùi hương - và đó chính là hoạt động dẫn đến sự củng cố trí nhớ. Thật vậy, những người này nhớ đến 84% vị trí các vật khi họ thức dậy, trong khi những người không được ngửi mùi hương chỉ nhớ khoảng 61%.
Không phải chỉ có các mùi hương ngọt ngào mới có thể nâng cao khả năng học tập; cũng như những gì Marquis tìm ra với những bản valse buổi đêm, âm thanh cũng có khả năng gợi lại ký ức, miễn là chúng không làm bạn thức giấc. Trong một nghiên cứu, các tình nguyện viên dễ dàng chơi các trò chơi âm nhạc (như Guitar Hero) hơn nếu họ được nghe một vài đoạn nhạc nhẹ trong trò chơi khi ngủ. Trong khi đó, Bjorn Rasch ở Đại học Zurich, Thụy Sĩ thấy rằng cách làm tương tự giúp học tiếng Hà Lan nhanh hơn, cho phép người học nhớ từ vựng nhiều hơn 10%.
Tất nhiên, chúng ta cần phải tiến hành các thử nghiệm lớn hơn với các đối tượng đa dạng hơn trước khi đưa kỹ thuật này vào sử dụng rộng rãi. Reiner đang bắt đầu tiến hành thử nghiệm xem liệu phản hồi sinh học thần kinh có thể giúp sinh viên học chơi guitar hay không. Diekelmann cũng cho rằng chúng ta cần phải khẳng định rằng các kỹ thuật này không gây ra các hậu quả bất thường.
Và mặc dù bà không nghĩ rằng các kỹ thuật này có thể được sử dụng để tẩy não con người ngoài ý muốn, bà cho biết chúng ta cần phải xem xét liệu đạo đức của chúng ta có cho phép điều khiển trí nhớ của con trẻ theo cách này không. “Ngủ là một trạng thái dễ bị tổn thương”. Song bà nhấn mạnh rằng các nguy hại có thể xảy ra không nên là những vật cản đường nghiên cứu về học trong lúc ngủ. “Ý tưởng này rất đáng để quan tâm. Chúng ta chỉ cần sử dụng nó đúng cách”.
Theo Phương Hà - Sức khỏe và Đời sống/ BBC