Lý do nhiều nhà xe phản đối điều chuyển luồng tuyến vận tải từ Mỹ Đình xuống Nước Ngầm
SKMT- "Khi bến xe Mỹ Đình trống không, chúng tôi đã buộc phải vay mượn ngân hàng, để đầu tư sắm xe vào hoạt động. Những năm tháng bị thua lỗ, đến nay mới bắt đầu ổn định được tuyến, xây dựng được thương hiệu lại ép buộc và đuổi chúng tôi đi nơi khác. Như vậy chẳng khác gì đẩy chúng tôi vào bờ vực phá sản", đại diện một nhà xe cho biết.
Cảnh ùn tắc ở bến xe.
Từ sáng 30/12, còn cách thời hạn phải điều chuyển về bến xe Nước Ngầm 3 ngày, khoảng 100 nhà xe đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình đi các tuyến phía Nam như Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã tụ tập tại bến, vẫn vào xếp lốt nhưng không nhận khách. Sự việc đã khiến hàng nghìn hành khách bị ùn ứ tại đây, kéo dài từ sáng đến chiều tối cùng ngày mới được giải quyết tạm ổn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc nhà xe tụ tập tại bến Mỹ Đình là nhằm phản ứng quyết định điều chuyển luồng tuyến vận tải liên tỉnh từ 2/1/2017 tới đây của Sở GTVT Hà Nội. Theo nhiều nhà xe, việc điều chuyển này sẽ gây xáo trộn và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là khi dịp Tết Nguyên đán đã cận kề.
Ông Trần Hữu Quảng, chủ doanh nghiệp vận tải Quảng Mận chạy tuyến Mỹ Đình – Thanh Hóa, đại diện cho các doanh nghiệp vận tải thuộc các tỉnh Thanh Hóa rất bức xúc trước thông báo của Sở Giao Thông vận tải TP Hà Nội liên quan đến chủ trương sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô trên địa bàn TP Hà Nội.
Ông Quảng cho biết: “Khi bến xe Mỹ Đình trống không, chúng tôi đã buộc phải vay mượn ngân hàng, để đầu tư sắm xe vào hoạt động. Những năm tháng bị thua lỗ, đến nay mới bắt đầu ổn định được tuyến lốt, xây dựng được thương hiệu lại ép buộc và đuổi chúng tôi đi nơi khác. Như vậy chẳng khác gì đẩy chúng tôi vào bờ vực phá sản”.
Bên cạnh đó, ông Quảng cũng cho rằng, nếu chuyển các xe khách xuống bến xe nước Ngầm thì người chịu thiệt thòi đầu tiên là hành khách bởi lộ trình từ Mỹ Đình và Trung tâm thành phố xuống bến Nước Ngầm là khá xa, vì vậy hành khách sẽ chịu thiệt thòi nhiều hơn.
Nhiều hành khách không có xe để về.
Một số ý kiến của các đại diện doanh nghiệp vận tải hành khách còn cho rằng, bến xe Nước Ngầm là bến tạm thời, không đảm bảo, lại nằm sát đường cao tốc, là điểm đen giao thông.
Trong một diễn biến khác, chiều 30/12, thông tin về việc hơn 100 doanh nghiệp xe khách đình công, không nhận chở khách, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Sở GTVT sẽ báo cáo UBND TP để có phương án xử lý. Trước đó, chúng tôi đã mời các doanh nghiệp thuộc diện điều chuyển lên đối thoại nhưng không doanh nghiệp nào đến”, ông Hà Huy Quang cho hay.
Trong trường hợp doanh nghiệp tiếp tục không đón khách nhằm tạo thêm áp lực, lãnh đạo Sở GTVT thông tin, Sở sẽ báo cáo thành phố bỏ các tuyến này để thực hiện tuyến khác. Còn về thông tin phí bến xe Nước Ngầm quá cao, tới đây Sở sẽ xây dựng nguyên tắc chung về lệ phí bến bãi, không để doanh nghiệp gặp khó khăn.
Trước tình hình nhiều nhà xe không chở khách, sáng 30/12, Tổng Công ty vận tải Hà Nội đã tăng cường xe buýt chở khách miễn phí từ bến Mỹ Đình sang bến Giáp Bát và Nước Ngầm.
Tăng 196 lượt xe buýt kết nối Mỹ Đình và Nước Ngầm Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ ngày 1-1-2017 sẽ thực hiện tăng cường năng lực vận chuyển xe buýt kết nối giữa bến xe Nước Ngầm với bến xe Mỹ Đình từ 248 lượt/ngày lên thành 444 lượt/ngày (tăng 196 lượt). Ngoài ra, điều chỉnh lượt xe đối với 2 tuyến đang có điểm đầu cuối tại bến xe Nước Ngầm kết nối với bến xe Mỹ Đình (tuyến xe buýt số 16 và số 60B); điều chỉnh tần suất của tuyến xe buýt số 34 (bến xe Gia Lâm - bến xe Mỹ Đình) từ 184 lượt/ngày lên thành 212 lượt/ngày. |
Nguyễn Bá