Năm kỷ lục về thiên tai, Việt Nam thiệt hại gần 40. 000 tỷ đồng.
SK&MT - Trong số 21 loại hình thiên tai được xác định trên thế giới, Việt Nam đang phải hứng chịu tới 20 loại hình (chỉ trừ sóng thần). Tính riêng trong năm 2016, thiên tai xảy ra trên cả nước đã khiến 264 người chết và mất tích.
Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, trong 30 năm qua, thiên tai đã cướp đi sinh mạng của 500 người chết và mất tích. Thiệt hại về kinh tế trung bình khoảng 1 - 1,5% GDP hàng năm.
Năm 2016, Việt Nam phải đối diện với thiên tai kỷ lục với trên 20/21 loại hình thiên tai xảy ra trên khắp các vùng miền cả nước (chỉ trừ sóng thần). Các địa phương, bộ ban ngành đã chủ động ứng phó trong các đợt lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất, cháy nổ, cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ; giúp đỡ ngư dân Việt Nam tránh, trú bão và cứu nạn trên biển. Cả nước đã huy động gần 20 nghìn lượt người và hơn 11 nghìn phương tiện tham gia phòng chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Tuy nhiên, thiên tai trong năm 2016 đã gây thiệt hại về kinh tế lớn nhất trong vòng 40 năm qua lên tới 39.700 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD) , đã làm 264 người chết và mất tích; hơn 5.000 nhà bị đổ, sập và gần 370.000 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái. Trên 820.000 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở. 115km đê, kè, 938km kênh mương và 122km bờ sông, bờ biển bị sạt lở. Tổng thiệt hại ước tính khoảng gần 40.000 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD và bằng 1% GDP cả nước. Thiệt hại do thiên tai gây ra đã làm sản xuất nông nghiệp tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm, dẫn đến làm giảm tăng trưởng quốc gia.
Trước diễn biến phức tạp của thiên tai trong những năm qua, Chính phủ đã bố trí nguồn vốn lớn để hỗ trợ, cùng đồng bào vùng chịu ảnh hưởng vượt qua khó khăn. Tính riêng năm 2016, Chính phủ đã bố trí trên 5.400 tỷ đồng, cấp phát miễn phí khoảng 23.000 tấn gạo để hỗ trợ cho người dân các tỉnh vùng chịu ảnh hưởng mưa lũ, hạn hán và xâm nhập mặn.
Bên cạnh nguồn lực T.Ư, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong nước, quốc tế cũng ủng hộ, hỗ trợ nguồn lực rất lớn cho công tác PCTT tại Việt Nam.
Điển hình là dự án hỗ trợ người dân 10 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn trị giá trên 4 tỷ USD của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) trong giai đoạn từ cuối năm 2015 và năm 2016…
Hạn hán tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long năm 2016
Chỉ đạo nhiệm vụ trong năm 2017, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ, ngành, các địa phương tập trung triển khai 12 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung vào tăng cường nhận thức, hoàn thiện thể chế, quy hoạch - kế hoạch PCTT, lồng ghép các nội dung PCTT với kế hoạch - quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng miền, nâng cao chất lượng công tác dự báo thiên tai và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng PCTT...
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “vai trò của việc triển khai tốt phương châm “4 tại chỗ”, coi đây là giải pháp căn cơ góp phần hết sức quan trọng trong nhiệm vụ ứng phó, giảm nhệ rủi ro thiên tai có thể xảy ra”.
H.G