Phát triển năng lượng tái tạo, đảm bảo nguồn cung cấp điện năng
Phát triển nguồn năng lượng tái tạo không chỉ bảo đảm nguồn cung cấp điện năng cho đất nước với chi phí hợp lý, mà còn góp phần cụ thể hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050 theo đúng như Thủ tướng Chính phủ cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Theo nghiên cứu của cơ quan năng lượng quốc tến (IEA), đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, cung cấp một phần ba lượng điện trên thế giới, ước tính, công suất điện gió và quang điện sẽ vượt công suất của khí đốt vào năm 2023 và than đá vào năm 2024.
Theo nhận định của giới chuyên gia, Việt Nam là quốc gia hội tụ những đặc điểm địa lý, khí hậu lý tưởng cho việc sản xuất các loại năng lượng tái tạo.Với vị trí địa lý có đường biển dài, thời tiết của khu vực nhiệt đới nhận được lượng nhiệt mặt trời tương đối lớn… đây là một trong những tiềm năng rất lớn để Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo như nhà máy năng lượng mặt trời, nhà máy năng lượng gió. Việc này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong định hướng phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, cũng như an ninh năng lượng.
Phát triển năng lượng tái tạo còn đang là cuộc chay đua năng lượng của các nước trên thế giới tạo nên vị thế cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Điều này cho thấy Việt Nam cũng không thể chẫm trễ trong lĩnh vực này, khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo để tạo sức cạnh tranh cho cả nền kinh tế.
Nhận thấy tầm quan trọng hàng đầu của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, nên thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Bộ Công Thương cũng có Quyết định 2023/QĐ- BCT ngày 5/7/2019 phê duyệt “Chương trình phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025” và nhiều thông tư hướng dẫn cùng các chương trình kế hoạch triển khai thực hiện. Cùng với đó, phát triển nguồn năng lượng tái tạo song song với tăng cường hiệu quả sử dụng điện trọng sinh hoạt cũng như sản xuất nhằm giảm chi phí và các tác động tiêu cực đối với môi trường và sức khỏe người dân.
Ảnh minh họa
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 128,51 tỷ kWh, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020; Trong đó, năng lượng tái tạo (gồm: điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) huy động được 14,69 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 11,4% trong tổng sản lượng.
Phó Cục trưởng Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phạm Văn Tấn nêu rõ: Mặc dù là một nước đang phát triển với nguồn lực còn hạn chế trong khi phải chịu nhiều tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn thể hiện quyết tâm cao nhất, cam kết cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với năm 2020, chuyển đổi điện than sang năng lượng tái tạo. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Biến đổi khí hậu đã xây dựng và đang hoàn thiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, trong đó có cụ thể hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về "0", lĩnh vực năng lượng phải giảm ít nhất 32% vào năm 2030, giảm ít nhất 90% vào năm 2050 so với kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường của Việt Nam. Để thực hiện được việc này, việc thay thế điện than bằng các nguồn điện gió, điện mặt trời, điện khí và các nguồn điện ít phát thải khác là cách đi bắt buộc phải theo...
Để có thể huy động nguồn lực năng lượng tái tạo tối ưu, chất lượng, bảo đảm mục tiêu đặt ra, Bộ Công thương hiện đang nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về chính sách và phát triển cơ sở hạ tầng như: Sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực để hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, đấu thầu phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối. Trong đó, cơ chế phát triển năng lượng tái tạo chuyển dịch từ chính sách hỗ trợ ban đầu để thúc đẩy phát triển thị trường sang chính sách đấu thầu cạnh tranh khi quy mô, trình độ thị trường đã thay đổi để thị trường quyết định giá công nghệ, giá điện nhằm phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi về công nghệ của thị trường thế giới...
Trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và phát triển nền "kinh tế xanh" đang là những ưu tiên hàng đầu đối với nhiều quốc gia trên thế giới, năng lượng tái tạo ngày càng được chú trọng. Việt Nam cần phải phát triển nhanh hơn nữa, vừa tạo thế cạnh tranh trong thời kỳ “kinh tế xanh”, vừa là điểm then chốt để đạt mục tiêu “phát triển bền vững” của đất nước và cải thiện được môi trường, khí hậu bảo vệ sức khỏe người dân về lâu dài.
MẠNH HIỆP