Rừng ngập mặn – vùng đệm quan trọng cải thiện sinh kế ven biển
Rừng ngập mặn – vùng đệm quan trọng cải thiện sinh kế ven biển |
Mặc dù chỉ chiếm 1,5% tổng diện tích rừng quốc gia (khoảng hơn 14,4 triệu ha) nhưng với diện tích này, Việt Nam đứng nhóm đầu trong các quốc gia có nhiều diện tích rừng ngập mặn trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, áp lực về gia tăng dân số, thay đổi cơ cấu sản xuất và tác động của biến đổi khí hậu đã làm giảm đáng kể diện tích rừng ngập mặn.
Nhân lên những mầm xanh
Cái nắng chói chang bỏng rát của tháng Bảy nơi cực Nam Tổ quốc như dịu lại trước màu xanh mát mắt ngút ngàn của những vạt rừng đước, rừng mắm dọc hai bên con kênh dẫn vào ấp Xưởng Tiện (xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).
Đây là khu vực rừng ngập mặn thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi được Hợp phần 2 của dự án GCF hỗ trợ từ năm 2018. Dưới tán rừng ngập mặn này, nhiều gia đình đã có cuộc sống sung túc với mô hình trồng rừng kết hợp nuôi thủy sản.
Định cư ở ấp Xưởng Tiện từ hơn 20 năm trước, gia đình anh Đinh Văn Đường cũng như nhiều gia đình khác ở đây sinh sống chủ yếu nhờ vào khai thác cây rừng và thu bắt các loại thủy, hải sản tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn. Thế nhưng sạt lở và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến cây rừng mất dần, nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị cạn kiệt, cuộc sống của gia đình anh Đường cũng gặp nhiều khó khăn.
Tham gia dự án GCF, năm 2018 gia đình anh được Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi giao chăm sóc, quản lý 3,8ha rừng, được cung cấp tôm, cua giống thả nuôi.
Thủy sản được thả nuôi tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn có chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng đã đem lại thu nhập ổn định, cải thiện điều kiện sống của gia đình anh Đường.
Mỗi tháng, gia đình anh thu hoạch tôm 2 lần theo con nước vào mùng 1 và ngày rằm (ngày 1 và 15 hàng tháng Âm lịch), cùng với cua và các loại thủy sản tự nhiên khác đem lại doanh thu 5-6 triệu đồng/ha. Từ chỗ chỉ khai thác lợi ích từ rừng, nay gia đình anh nhận thức rõ rằng, chăm sóc, bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ nguồn sống của mình.
Không chỉ trồng rừng phát tán, nuôi tôm, cua, năm 2021 gia đình anh Nguyễn Văn Miễn cùng ngụ tại ấp Xưởng Tiện còn nuôi thêm dê để tăng thu nhập.
Theo anh Miễn, dê nuôi thả tự nhiên nên không mất nhiều công chăm sóc. Thức ăn cho dê được anh tận dụng từ những cành cây đước nhỏ, ở dưới thấp được bỏ đi khi phát dọn rừng chăm sóc cua. Cách làm này vừa tiết kiệm công lao động, vừa bảo đảm nguồn thức ăn thường xuyên cho dê.
Đàn dê của gia đình anh có 16 con. Dê nuôi lấy thịt đạt 25 kg/con là có thể xuất bán, đem lại thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm cho gia đình anh.
Hiện, cả 3 anh em trong gia đình anh Miễn ở thôn Xưởng Tiện đều thực hiện mô hình kinh tế này.
Ông Nguyễn Hữu Quyền (Phó Trưởng phòng Thanh tra-Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm, thành viên Ban Quản lý Dự án GCF Cà Mau) cho biết các hộ dân tham gia dự án GCF được tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản kết hợp trong rừng ngập mặn, cung cấp tôm sú, cua giống, hỗ trợ bộ dụng cụ kiểm tra môi trường nước…
Cán bộ kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền các hộ dân trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đúng cách.
Theo đánh giá của Ban Quản lý Dự án GCF Cà Mau với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 38 triệu đồng/ha, nuôi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn đạt doanh thu gần 88 triệu đồng/ha, hộ dân thu về lợi nhuận gần 50 triệu đồng/ha.
Nuôi tôm cua theo quy trình sinh thái, không sử dụng hóa chất và thức ăn công nghiệp nên hạn chế ô nhiễm môi trường nước.
Tham gia mô hình trồng rừng kết hợp nuôi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn, người dân đã thay đổi hoàn toàn nếp nghĩ, cách làm.
Nếu trước kia, hầu hết người dân đều nghĩ rằng phải phá rừng để lấy đất nuôi tôm, thì giờ đây ai cũng hiểu rừng có độ che phủ phù hợp sẽ là môi trường tốt nhất để các loại thủy sản sinh sống, phát triển.
Dưới tán rừng không chỉ là nguồn thức ăn tự nhiên phong phú mà còn là nơi cư trú, ẩn náu an toàn cho vật nuôi, nhằm tránh các loại địch hại tấn công.
Lợi ích kép của mô hình giúp cuộc sống của người dân được cải thiện rõ nét, bà con ngày càng ý thức hơn trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Đổi thay lớn cùng rừng cây
Được triển khai từ năm 2018 tại 6 tỉnh ven biển là Nam Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau, đến nay hợp phần tái sinh rừng ngập mặn của dự án GCF đã vượt mục tiêu ban đầu với 4.260ha rừng trồng bổ sung, phục hồi và trồng mới.
Nhiều khu rừng đã khép tán, sinh trưởng và phát triển tốt, bắt đầu phát huy tác dụng, trở thành “bức tường xanh” phòng hộ, chắn sóng, bảo vệ đê biển, cải thiện sinh kế và đa dạng sinh học.
377ha rừng ngập mặn được trồng mới, trồng phục hồi và bổ sung ở Nam Định đã củng cố thêm sự vững chắc của “bức tường xanh” bảo vệ đê biển 4 xã vùng dự án của huyện Nghĩa Hưng là Nghĩa Lâm, Nghĩa Hải, Nghĩa Thành, Nam Điền nói riêng và ven biển của tỉnh nói chung.
Rừng ngập mặn được phục hồi, các loài thủy sản trong rừng phong phú và đa dạng hơn. Nhiều gia đình không có tàu, thuyền đi biển, hàng ngày có thể mò cua, bắt ốc…thu nhập trung bình từ 100.000-200.000 đồng/ngày.
Dự án ghi nhận mỗi xã có khoảng 70 hộ thường xuyên đánh bắt cá, tôm, cua bằng cách thả đăng, lưới, mò trong thời kỳ nông nhàn.
Tại Thanh Hóa, 355ha rừng trồng của dự án ven dải đê biển tại xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc) và Nga Thủy (huyện Nga Sơn) góp phần ngăn chặn sóng biển và triều cường, bảo vệ đê biển, giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ tính mạng và tài sản của khoảng 5.000 người dân địa phương.
Mô hình nuôi ong lấy mật trong rừng ngập mặn xã tại hai xã cho thu nhập tăng gấp 2-3 lần so với nuôi đại trà tự phát; nâng cao nhận thức bảo vệ rừng ngập mặn để có nguồn hoa cho ong.
Dự án đã hỗ trợ các hộ nuôi ong thành lập Tổ hợp tác, đăng ký bản quyền và nhãn mác cho mật ong thực hiện theo chuỗi sản xuất được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận về chất lượng theo tiêu chuẩn OCOP.
Mặc dù diện tích trồng mới và bổ sung phục hồi rừng ngập mặn không nhiều nhưng lợi ích kinh tế-xã hội đem lại cho tỉnh Quảng Ngãi rất lớn. 72ha rừng ngập mặn đã chắn sóng, chắn cát cho người dân trước các cơn bão trong năm 2019 và 2020.
Từ khi 22ha rừng ngập mặn được trồng tại Bàu Cá Cái (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn) hệ sinh thái thay đổi rất lớn. Các hộ dân ở đây đã bắt đầu biết quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản hợp lý.
Khu rừng ngập mặn này đã được đưa vào danh mục điểm du lịch cộng đồng của tỉnh Quảng Ngãi với các hoạt động chèo ghe ngắm rừng, câu cá…
Là tỉnh duy nhất của cả nước có ba mặt giáp biển với chiều dài 254km, thường xuyên bị sạt lở, xâm thực, Cà Mau có diện tích 3.168ha rừng ngập mặn trồng mới và trồng bổ sung phục hồi do dự án GCF hỗ trợ dọc theo chiều dài bờ biển của tỉnh, góp phần quan trọng nâng cao khả năng phòng hộ, chắn sóng, bảo vệ đê biển.
Đặc biệt, 1.389 ha rừng trồng bổ sung, phục hồi tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi đã tạo thành “bức tường xanh” liên khu, liền khoảnh bảo vệ 12km đường biển cùng 2.000ha nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng và cuộc sống của 577 hộ dân.
Cà Mau có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản và là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước với gần 280.000ha. Trong số này, có gần 40.000ha nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, tập trung nhiều nhất ở huyện Ngọc Hiển với gần 23.000ha; trong đó, có khoảng 20.000ha diện tích nuôi tôm được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế.
Những năm qua, dự án đã hỗ trợ 11 mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn cho 978 hộ gia đình đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp hàng xuất khẩu và mang lại cho người nông dân thu nhập ổn định.
Năm 2023-2024, trong số các hộ gia đình thực hiện mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, dự án đã lựa chọn 500 hộ gia đình tại xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản cho tôm sinh thái; làm tăng giá trị kinh tế của hoạt động nuôi tôm, đồng thời bảo vệ tài nguyên rừng ngập mặn.
Cùng với mục tiêu tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng rừng ngập mặn, dự án GCF còn góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Theo số liệu đo đếm đến tháng 6/2024, lượng giảm phát thải từ diện tích rừng ngập mặn của dự án đạt hơn 1,1 triệu tấn CO2 (mục tiêu dự án là hơn 565.000 tấn).
Phương pháp đo lường, tính toán lượng carbon do dự án xây dựng và áp dụng là cơ sở quan trọng để Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hoàn thiện Phương pháp đo lường và tính toán trữ lượng carbon rừng ngập mặn, xây dựng Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật tạm thời xác định sinh khối và trữ lượng carbon rừng ngập mặn ven biển.
Kết quả của dự án cho thấy tái sinh rừng ngập mặn trở thành một giải pháp nhằm đạt được đồng thời cả mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu trong quá trình Việt Nam thực hiện cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết với quốc tế về biến đổi khí hậu cũng như các chiến lược quốc gia khác về đa dạng sinh học hay giảm nghèo bền vững./.