Sơn La nỗ lực tìm giải pháp khắc phục những bất cập trong xử lý chất thải y tế
SK&MT - Trước thực trạng báo động môi trường bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng sống của người dân; được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền và sự cố gắng nỗ lực của các ban ngành, công tác quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường của tỉnh Sơn La đã đạt được những kết quả nhất định.
Vượt mọi khó khăn đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ để làm tốt công tác môi trường
Sơn La là một tỉnh nghèo nằm tại vùng Tây Bắc nước ta. Với nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư thấp, do đó cơ sở hạ tầng, trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; nhiều đơn vị nằm trong Quyết định 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sau khi Chỉ thị số 05/CT-BYT; Thông tư liên tịch số 58/TTLT- BYT- BTNMT được ban hành, ngành y tế Sơn La đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 20/KH-UBND về quản lý chất thải y tế tỉnh Sơn La giai đoạn 2015 – 2020.
Lò đốt chất thải rắn với ống khói cao tiêu chuẩn, nằm tách biệt với khu dân cư tại BVĐK Yên Châu.
Qua đó, các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện đã và đang được đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế bằng nguồn vốn hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Đến nay, nhiều bệnh viện đã hoàn thành công trình xử lý chất thải y tế và đưa vào hoạt động đạt hiệu quả như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Bắc Yên, Bệnh viện Đa khoa Phù Yên, Bệnh viện Đa khoa Mai Sơn, Bệnh viện Đa khoa Sốp Cộp... Nhiều đơn vị đã xây dựng xong các công trình xử lý chất thải y tế và chuẩn bị đưa vào hoạt động, rút khỏi danh sách đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 1788/QĐ-TTg, được UBND tỉnh và Sở Tài nguyên & Môi trường chứng nhận.
Chủ động tăng cường công tác tập huấn, kiểm tra, giám sát chất thải y tế
Sau khi Chỉ thị - số 05/CT BYT và Thông tư liên tịch số 58/TTLT- BYT-BTNMT ban hành, năm 2016, Sở Y tế Sơn La đã cử các nhân viên y tế trong toàn tỉnh tham gia lớp tập huấn về xử lý chất thải y tế tại tỉnh Điện Biên. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, chính sách - pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của nhân viên y tế và người bệnh trong việc quản lý chất thải và bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra giám sát các đơn vị thực hiện việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải, nhằm phát hiện, xử lý sớm những sai phạm, không để ảnh hướng xấu tới môi trường.
ông Nguyễn Trung Khải cùng đại diện Sở Y tế Sơn La trong buổi làm việc cùng PV báo SKMT
Ngoài ra, để khắc phục những bất cập trong xử lý chất thải hiện nay, ngành y tế tỉnh Sơn La đã được Bộ Y Tế đầu tư 3 dự án xử lý chất thải y tế theo cụm bao gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên. Dự kiến hết tháng 9/2017 sẽ bàn giao và đưa vào sử dụng.
Nỗ lực tìm giải pháp khắc phục triệt để những khó khăn trong việc xử lý chất thải y tế
Dù đã cố gắng tìm nhiều giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường, nhưng vẫn còn một vài đơn vị trên địa bản tỉnh chưa thực hiện chặt chẽ các quy định về quản lý chất thải y tế, công tác phân loại chất thải y tế phát sinh từ nguồn còn có sự nhầm lẫn, nhiều đơn vị chưa được cấp phép xả thải. Do thời gian sử dụng lâu, các công trình xử lý chất thải y tế tại một số bệnh viện đã xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí chưa có nhà tập kết rác tách biệt với khu điều trị.
Song song với đó, việc áp dụng các chỉ thị của ban ngành về công tác xử lý chất thải y tế vào tình hình thực tế tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La ThS.BS. Nguyễn Trung Khải cho biết: Trong thời gian qua ngành y tế tỉnh Sơn La đã rất nỗ lực làm tốt công tác quản lý, cũng như đầu tư nhiều công trình phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường. Song khó khăn chủ yếu, cơ bản trong công tác quản lý chất thải y tế tỉnh Sơn La hiện nay vẫn là nguồn kinh phí đầu tư và kinh phí sự nghiệp dành cho xử lý chất thải y tế còn thấp, nhiều đơn vị cơ sở hạ tầng, công nghệ đầu tư cũ kỹ lạc hậu, xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa, nâng cấp, mua mới trang thiết bị, dụng cụ, vật chứa phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Sơn La chưa có doanh nghiệp nào được Tổng cục Môi trường cấp phép xử lý chất thải rắn nguy hại tập trung, để những đơn vị không được đầu tư hoặc không đủ điều kiện có thể ký hợp đồng xử lý.
Hệ thống xử lý chất thải lỏng do Sở Y tế làm chủ đầu tư cải tạo nâng cấp tại BVĐK Thuận Châu
Chính vì thế, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải y tế trong thời gian tới, Sở Y tế tỉnh Sơn La sẽ tập trung tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm những tồn tại. Từ đó, kịp thời chấn chỉnh, sớm tìm ra giải pháp khắc phục những khó khăn vướng mắc mà các đơn vị trực thuộc đang gặp phải. Để công tác quản lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh Sơn La được thực hiện tốt hơn, thời gian tới Ban Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh rất mong nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm và đầu tư của các cơ quan ban ngành có thẩm quyền; đưa ra những chính sách phù hợp để thu hút nguồn đầu tư, xã hội hóa công tác quản lý chất thải y tế (doanh nghiệp đầu tư khu xử lý chất thải tập trung cho toàn tỉnh, các đơn vị y tế ký hợp đồng để xử lý). Có như thế, những khó khăn và vướng mắc đang còn tồn tại trong công tác xử lý chất thải y tế mới được khắc phục triệt để, đảm bảo môi trường chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho nhân dân.
Nhóm PV