Sông Đà, đoản khúc bi ký phía thượng nguồn
Dễ một thập kỷ dư, hiếm khi thượng nguồn còn “lành hiền như con nai ngơ ngác gặm cỏ giữa sườn non”, lòng sông giờ lỗ chỗ, xác xơ, nham nhở tựa muôn ngàn huyệt đạo, hàng vạn vịnh xoáy và “núi” đá ngầm giăng mắc, dòng chảy đêm ngày cuộn xiết, đục ngầu, tắc nghẹn. Ðó là hệ quả của tàu, thuyền, máy xúc khai thác vàng sa khoáng trái phép từng ngày, từng giờ neo đậu nơi đây.
Tàu hút cát sỏi, khai thác sa khoáng trái phép.
Lạc lối vào “thạch trận”
Tôi cùng ông lái đò người Thái, họ Lý, nằm vắt chân tréo ngoèo giữa lòng thuyền. Mặc sóng. Mặc gió. Bầu rượu san lùng của ông cứ cạn dần theo dòng tâm sự hơn ba mươi năm hành nghề nơi bến đò Pắc Ma này. Mây ềm ệp, chừng mươi sải tay vươn tới. Lão Lý bảo: “Phía nam giông vần dữ quá, chưa vào thị trấn được. Hướng đó, từ đây đến Hua Bum, nhiều năm nay, nạn khai thác vàng đào cậy lòng sông, tạo thành hàng bãi “núi” đá ngầm, chẳng khác bày thế “ngũ hành thạch trận”. Đò muốn chở khách phải chờ quang mây, mặt nước hết màu đen thẫm”.
Nhìn con thuyền thon thon, dài gần chục mét, bề rộng chỉ đủ một người ngồi, tôi không khỏi băn khoăn: “Thuyền này vượt sóng khỏe không?”. “Ðừng nói gở. Lão chạy già cóc rồi, chưa ai kêu ca. Thuyền càng nhỏ, càng dài, càng dễ luồn lách qua vịnh xoáy. Ở Mường Tè, đồng bào sắm thuyền đông lắm, cả người dưới bến Pá Uân (Quỳnh Nhai, Sơn La) cũng dạt lên làm ăn. Ngay bến này, tề tựu 60 gia đình. Chủ yếu phục vụ khách quen, buôn chuyến dưới xuôi hoặc đi đào đãi vàng. Năm ngoái, giá đò 100.000 đồng/người, nay xăng dầu lên thì 120.000 đồng/người”. Từ bến Pắc Ma vào trung tâm huyện, quanh co tránh vịnh xoáy, hầm ngách ngót nghét 20 cây số, nhưng vòng vo kiểu gì cũng phải qua bãi “núi” đá ngầm, và kiểu gì cũng “lạc lối”. Bởi, trung bình mỗi giờ, một chiếc thuyền đãi vàng có thể xúc 15 đến 16m3 đất đá dồn về một chỗ, như vậy, mỗi ngày sẽ mọc thêm hàng trăm “núi” đá dưới mặt nước, trong khi năm, bảy ngày nhà đò mới có khách đến thuê. Người có “túi khôn” lâu năm, khi lạc vào “thạch trận” chỉ cần nhìn màu nước, ném viên sỏi theo dõi tăm sủi, ước chừng độ sâu từ mặt sông xuống ngọn “núi” đá, mà quyết định mượn đầu sóng vượt qua hay lách bên sườn “núi”. Tuy nhiên, thoát được “cửa ải” này cũng mất hơn tiếng đồng hồ, còn người chưa được sóng gió sàng sảy có khi hết nửa buổi chưa ra khỏi, không khéo sơ sẩy nguy hiểm tính mạng. Dọc thượng nguồn, đã có hàng trăm vụ tai nạn va vào “núi” đá ngầm, chết hàng chục người. Mới đây nhất, vụ đắm thuyền do một trung niên họ Lường điều khiển. Bữa đó, trời nhập nhoạng, lại tham đông khách, đò đâm vào “núi” đá, tung mũi lên trời, chìm nghỉm. Ba người may mắn thoát chết, tỉnh lại vẫn còn ngơ ngơ ngác ngác, tâm thần hỗn loạn đến mấy tháng trời, hai người khác thì mất xác, mấy ngày sau thấy nổi rải rác tận bến phà Pá Uân.
Bến đò nơi thượng nguồn sông Đà.
Non một giờ sau, thuyền lão Lý chở tôi và ba vị khách quen đến sải nước thứ mười hai. Trước mặt, thành vách dựng đứng như muôn ngọn mác chụm năm quả núi. “Sát bãi đá ngầm rồi. Mọi người chuẩn bị tinh thần”, ông lái người Thái xấp xỉ ngũ tuần nheo nheo cặp mắt ra lệnh. Sóng trước đuổi sóng sau như động cơn ba đào cuồng nộ. Mui thuyền bị đánh bật sang trái, sang phải. “Chiến mã” chồm lên, hụp xuống. Ðộng cơ 15 sức ngựa nhả khói khét nồng, từng mét không khí đặc quánh lại. Hai cánh tay lão Lý căng ra, nâu bóng. Người lão khom khom như vị tướng già đốc xuất đội thủy quân men theo lườn vịnh xoáy, mượn từng đà sóng vọt đi.
Qua khỏi “ải” đầu tiên chừng hơn chục mét, nước xiết vi vu như tiếng sáo, lùng bùng bên tai, tôi ngoái đầu định thần, kinh hãi thấy hàng trăm vịnh xoáy to nhỏ quay tít như chong chóng. “Mới chỉ là cửa vào “thạch trận” thôi”, ngó lơ vẻ mặt căng thẳng của tôi, ông lái bình thản nói. Lúc đó, một chiếc tàu 45 mã lực ầm ì đi tới, trên boong chất đầy cát sỏi, lão Lý buông tiếng não nề: “Lại lạc nữa rồi. Hôm nay, bưởng vàng cho quân đổ “hàng” phía này”. Mặt nước xanh lục dần chuyển sang hồng lợt rồi đỏ thẫm. Vài cái chóp “núi” nhấp nhô, chìm nghỉm mỗi khi dòng trường giang khuất động.
Bốn giờ chiều. Chúng tôi ra gần sải nước hai mươi, đến cạnh ba con tàu đang khoét lòng sông, trên sàn mỗi tàu có năm người đàn ông ra sức cào đất cát vòi rồng hút lên. Xa xa, dòng đối lưu vấp vào “núi” đá ngầm, mặt sông nghẽn lại, những cột nước dựng đứng đục ngầu, từ mười trượng đổ xuống gầm gào như hổ rống. Luồng lạch bị đổi chiều, dồn tụ trên cao, giống ngàn vạn con rắn hổ mang lấy đà quất lên vách đá, bào mòn thành những hầm ếch khổng lồ, nuốt chửng Ðà giang vào bụng mình rồi nhả ra cuối chân dãy núi.
Ðời “trôi”
Chiều đó, Páo Mai đón tôi tận bến. Cô gái Mông 20 tuổi này tôi đã quen ở Hà Nội tại Lễ hội Văn hóa các dân tộc Tây Bắc. Ðôi mắt Páo Mai đượm vẻ mệt mỏi, u buồn. Từ thuở xa lơ xa lắc, ở Mường Tè, người Mông vẫn định cư trên núi, người Thái cắm nhà miệt ven sông, nhưng sáu, bảy năm lại đây, thói quen đó đã mất dần khi “phong trào” đào vàng sa khoáng rộ lên, đồng bào Mông xuống suối dựng lều, đãi xỉ các tàu thuyền thải ra ngày một đông, gia đình Páo Mai cũng bị cuốn vào cuộc kiếm tìm đỏ đen đó. Chúng tôi đi dọc sườn non, thỉnh thoảng gặp vài ba người đàn bà sàng xỉ bên bờ suối, gương mặt họ sắt lại, vô hồn như những lao tù bị quên lãng lâu ngày, có cả những em bé mười hai, mười ba tuổi lễ mễ bê từng rành đất, lắc lắc, quay quay, đôi tay còn thành thạo hơn là cầm bút.
Chiếc lều – “nhà” Páo Mai ở nhỏ như cái chòi du mục, nằm chênh vênh cheo leo bên con đường dốc dác, cách bờ sông gần 50m. Loay hoay múc bát nước trong cái hũ sành chôn phân nửa xuống lòng đất, em e dè: “Anh uống tạm nước suối, gánh tận đỉnh núi đó, nước ở đây nhiễm phèn, dầu mỡ các bãi khai thác, tàu thuyền trào ra, tanh lắm không dùng được. Giờ này, bố mẹ làm mướn trên tàu, còn hai đứa em trai đãi xỉ ngoài suối, tối mịt mới về”. “Páo Mai không theo học cái chữ nữa à?”, tôi hỏi. “Ðang mùa nước nổi, thuyền dưới xuôi không lên khai thác được, chỉ có tàu ở quanh đây là bám được thôi. Họ thiếu người làm nên chúng em tranh thủ. Thanh niên trong bản đều làm thuê hết, cái chữ học sau vẫn kịp mà”. “Thế đãi thấy vàng không?”. “Nếu mót lại thì hiếm lắm. Nhưng các chủ tàu có tiền mua máy xay, dẫn nước lọc đất cát xuống khay cho thủy ngân giữ bột vàng, mỗi tháng thu nhiều đấy”.
Đào đãi vàng tự phát trên thượng nguồn.
Từ cuối thập niên 90 thế kỷ trước, một số người ở Ba Vì (Hà Nội), Kim Bôi (Hòa Bình) đi buôn chuyến Sơn La, Lai Châu phát hiện thượng nguồn sông Ðà có vàng, họ bèn thế chấp nhà, đất vay ngân hàng, góp vốn sắm thuyền lên khai thác. Khi thấy mọi người “cậy sông ra vàng”, tàu thuyền khắp nẻo Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang đổ về càng đông. Những tỉnh, huyện giáp ranh lập khu khai thác ngay tại thượng nguồn, thuyền bè ở xa thì mỗi tháng đôi lần lên mua cát sỏi các tàu “sở tại” đã hút sẵn, chở về địa phương sàng lọc. Nay, chính quyền truy quét nhiều đợt, mức độ khai thác nạo vét lòng sông đã giảm, nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Hôm chúng tôi đến, có khoảng 20 con tàu đang hoạt động. Toàn bộ mặt sông hơn 1.500 m2 nồng nặc mùi bùn, váng dầu mỡ lênh láng, bọt nước doềnh lên ùng ục, nóng ran, đỏ quạch như huyết gụ. Lương, một thanh niên quê Chu Minh (Ba Vì) làm thuê cho chủ tàu tỉnh Lai Châu nói, vào lúc cao điểm có gần 70 tàu thuyền.
Vàng kiếm được khi nhiều khi ít, nhưng tâm lý của trời cho, mỗi lần trúng mỏ anh em lại lao vào ăn chơi, cờ bạc, hút sách. Có người mắc nghiện đã mang mầm mống HIV/AIDS, có người ung thư, lao phổi, và nghìn lẻ các căn bệnh khác về đường hô hấp do môi trường sông nước ô nhiễm gây ra. Những con tàu cứ han gỉ theo thời gian, mà số vốn vay ngân hàng ngày một lớn, không cách gì trả nổi. Nhiều đội tàu lâm cảnh thua lỗ trầm trọng, buộc phá vỡ hợp đồng. Thuyền đãi vàng lúc mua 120 triệu đồng, nhưng khi thanh lý chỉ còn 50 đến 60 triệu đồng. Lương kể, dọc quốc lộ 32, khu phố quê cậu vốn có tên phố Nả, giờ dân gian trong vùng gọi là phố Nợ. Cách đây khoảng chục năm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Vì thông báo số tiền người dân xã Chu Minh nợ (sau khi đã bán tàu trả bớt), còn hơn năm tỷ đồng.
Vĩ thanh!
Trong căn nhà gỗ nghiến lưa thưa gió, những cán bộ huyện Mường Tè đãi khách món nậm phịa, đặc sản địa phương. Như đoán trúng tâm ý tôi, có vị cán bộ nói: “Ðịnh hỏi, sao chính quyền không cho cắm biển báo trên sông, những nơi nguy hiểm giăng đá ngầm hả? Một số đồng bào làm nghề tự phát, họ chạy theo “luật” của họ, cắm biển hay không cũng vậy, mấy ai nghĩ đến học luật giao thông đường thủy hay giấy phép hành nghề”. “Thế những đối tượng khai thác vàng, phải có biện pháp quản lý chứ?”. “Nạn đào vàng, cậy sông giờ thật sự đã giảm rồi, chỉ hoạt động nhỏ lẻ thôi, các đối tượng đang “di cư” hết lên vùng giáp ranh rồi. Mà đến khi, thủy điện Lai Châu kết hợp làm du lịch, thì họ sẽ chuyển đổi nghề, tự biến mất thôi!?”.
…Mặt trời xuống núi. Páo Mai và tôi ngồi lặng lẽ bên triền sông. Sóng liếm bờ cát, quấn vào chân miếu lạnh lẽo khói hương thờ những người đắm đò. Thỉnh thoảng, vài cây nhang cháy dở lâu ngày bị gió mang đi thả lềnh bềnh mặt nước. Tiếng khèn lá trên môi cô gái Mông vẫn dìu dặt, mênh mang. Nao nao. Cái buổi chiều hôm ấy. Bi noọng ơi!
Phóng sự của Thiệu Khang