Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp quan trọng thực hiện cam kết tại COP26
Xây dựng cơ sở pháp lý và hoàn thiện hệ thống pháp luật
Đây là giải pháp quan trọng đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như cap kết tại Hội nghị COP26.
An ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Để đối phó với thách thức về an ninh cung cấp điện, và an ninh năng lượng nói chung cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Sau 15 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TW ngày 24/10/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam và 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực.
Trong những năm qua, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững.
Năm 2020, Nghị quyết số 55 của Bộ Chính Trị về “Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến 2030, định hướng đến năm 2045” đã nhấn mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân. Xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi, để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy năng suất lao động và đổi mới mô hình tăng trưởng.
An ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần xây dựng cơ sở pháp lý để có thể hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ về phát triển năng lượng bền vững, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hóa, đảm bảo độc lập về tài chính, không trùng lặp với nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước và hạn chế làm tăng chi phí hoạt động sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh.
Tháng 7 vừa qua, nhằm định hướng và đẩy mạnh các hoạt động thuộc Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 và rà soát sửa đổi bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương đã tổ chức “Hội nghị Tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2022”.
Để đối phó với thách thức về an ninh cung cấp điện và an ninh năng lượng nói chung cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư, sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Dự báo, trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020-2025, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tỷ lệ dự phòng công suất toàn quốc đến năm 2025, không xét năng lượng tái tạo chỉ khoảng 18%.
Cụ thể, tỷ lệ dự phòng hệ thống điện miền Nam sẽ giảm mạnh từ năm 2023 và không đủ điện vào năm 2025. Còn ở miền Bắc, tỷ lệ dự phòng năm 2025 chỉ còn 10%. Như vậy trong giai đoạn 2023-2025, miền Bắc hầu như không có công suất dự phòng và phải nhận hỗ trợ từ miền Trung trong cao điểm mùa khô hoặc trường hợp sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện. Đáng chú ý, theo báo cáo cập nhật cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2025 của EVN, sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025.
Song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn là giải pháp quan trọng đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050”.
Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua ban hành nhiều chính sách liên quan cũng như phát động triển khai những hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả toàn xã hội. Các văn bản Luật, Nghị Quyết, thể hiện tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán về của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về vai trò quan trọng mang tính chiến lược của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong việc phát triển bền vững nền kinh tế đất nước giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai.
Hà Nội “tiên phong” trong thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng
Là địa phương đi đầu trong hoạt động tiết kiệm năng lượng, thành phố Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các hoạt động, giải pháp cụ thể và thu được những kết quả đáng khích lệ.
Trong đó, việc triển khai các chương trình tiết kiệm năng lượng đã giúp Hà Nội tiết kiệm 122,4 kTOE (năm 2021), tương đương trên 1.900 tỷ đồng, đạt 1,57% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu.
Để đạt được những thành công đó, trong năm 2021, Sở Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho 53 cơ sở, doanh nghiệp; Đánh giá hiệu quả năng lượng cho 12 tòa nhà, công trình xây dựng; xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cho 14 cơ sở; Phát triển 41 mô hình sử dụng năng lượng xanh với trên 1.000 giải pháp kỹ thuật tiêu biểu; Hỗ trợ 27 cơ sở ứng dụng phương pháp dự báo nhu cầu năng lượng để đánh giá hiệu quả năng lượng. Từ đó nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng, giúp Hà Nội có mức tiết kiệm năng lượng cao nhất cả nước.
Chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2022 tại Việt Nam được đồng tổ chức bởi Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF), Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương. Năm nay, chiến dịch Giờ Trái Đất 2022 có chủ đề "Shape our Future" – "Kiến tạo tương lai" có mục đích nâng cao nhận thức của từng cá nhân và tổ chức để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu và sự thiếu hụt của nguồn năng lượng do sự khai thác, sử dụng của con người làm nguồn tài nguyên trên Trái đất ngày càng cạn kiệt... Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVN), sau 1 giờ tắt đèn biểu trưng hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái Đất 2022 (từ 20h30-21h30 ngày 26/3/2022), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 309.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 576,1 triệu đồng). |
MẠNH HIỆP