Sức khỏe 24h: Bé trai vừa chào đời đã được 16 tuổi; Ăn gỏi 16 người nhập viện
Bé trai nặng 3,8kg chào đời từ phôi thai đông lạnh 16 năm trước là những tin sức khỏe đáng chú ý của ngày hôm nay (8/2).
Ngộ độc do ăn gỏi chuối
Người phụ nữ bị tắc ruột do ăn quá nhiều măng
Mới đây, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đã tiếp nhận bệnh nhân B.T.V. (62 tuổi, ở Nghệ An) nhập viện trong tình trạng đau bụng, đầy hơi, khó tiêu… Được biết, bệnh nhân này được người nhà đưa thẳng vào Bệnh viện Việt Đức cấp cứu chứ không phải từ tuyến dưới chuyển lên.
Ths.BS Đỗ Tất Thành (Khoa Cấp cứu) cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành chụp chiếu thì phát hiện bệnh nhân bị tắc ruột do một khối thức ăn lớn gây ra. Trong trường hợp này nếu may mắn ruột co bóp mạnh mới có thể đẩy được khối thức ăn ra ngoài. Tuy nhiên, kể từ khi xuất hiện triệu chứng đau bụng đến nay đã hơn 3 ngày, vì thế khả năng phải phẫu thuật lấy khối thức ăn là rất lớn.
Về phía bệnh nhân, chia sẻ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, bà V. cho biết, trong dịp tết vừa rồi, bà có ăn nhiều măng (măng xào miến, măng khô hầm) trong nhiều ngày liên tục. Khi xuất hiện triệu chứng đau bụng, bản thân bà nghĩ rằng do mình có tiền sử đau dạ dày, không kiêng khem kỹ trong những ngày tết nên bị đau.
Ăn gỏi cây chuối 16 người nhập viện cấp cứu
Khoảng 23 giờ ngày 7-2, Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tiếp nhận 16 người (trong đó có ba trẻ em) nhập viện cấp cứu với các triệu chứng nôn ói nhiều lần, thần kinh hoảng loạn, la hét nhiều. Tất cả bệnh nhân đều ở buôn Ea Nao A, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột.
Theo bệnh nhân Y Thinh Bjă, chiều cùng ngày, anh cùng một số người đi nhổ sắn giùm một người trong buôn. Khi làm xong, chủ nhà mua thịt heo về làm gỏi với cây chuối để mọi người cùng ăn. Sau khi ăn, mọi người có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn nên được đưa tới BV cấp cứu.
BS Y Lâm Niê, Giám đốc BV Đa khoa TP Buôn Ma Thuột, cho biết mức độ ngộ độc của các bệnh nhân không quá nghiêm trọng nên không phải chuyển lên BV tuyến trên. Đồng thời sau khi BV báo cáo sự việc, cơ quan chức năng đã cử cán bộ xuống địa phương làm việc, lấy mẫu thức ăn xét nghiệm để xác định nguyên nhân dẫn tới ngộ độc.
Bộ NNPTNT quyết định loại trừ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2.4 D và Paraquat khỏi danh mục cho phép
Ngày 8.2.2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường ký, ban hành Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, dựa trên các bằng chứng khoa học khẳng định các hoạt chất này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường.
Hiện nay, trên thế giới, Paraquat đã bị cấm sử dụng tại 32 quốc gia (27 nước Châu Âu và các nước Kuwait, Bờ Biển Ngà, Syria, các tiểu vương quốc Arab, Campuchia, Ấn Độ; Trung Quốc và rất nhiều quốc gia hạn chế sử dụng) chủ yếu vì lý do ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hoạt chất 2.4D bị cấm tại một số nước châu Âu như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch; một số bang của Canada, Úc và Nam Phi.
Theo ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT), hiện nay trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam (Ban hành theo Thông tư số 03 /2016/TT-BNNPTNT của Bộ NNPTNT ngày 21.4.2016), thuốc BVTV có chứa hoạt chất 2.4D có tới 36 tên thương phẩm; hoạt chất Paraquat có tới 46 tên thương phẩm. Hiện nay, trong số 74 hoạt chất thuốc trừ cỏ nằm trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, có 13 hoạt chất có thể thay thế 2.4D để trừ cỏ dại hiệu quả trên đa dạng các loại cây trồng cũng như vùng đất không trồng trọt (trong đó có 6 hoạt chất thuốc BVTV thế hệ mới). Vì vậy, việc Bộ NNPTNT loại bỏ 2.4D ra khỏi Danh mục thuốc BVTV là hết sức kịp thời, cấp thiết.
Bé trai nặng 3,8kg chào đời từ phôi thai đông lạnh 16 năm trước
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, người phụ nữ 46 tuổi vừa sinh hạ bé trai nặng 3,8kg cách đây ít hôm tại bệnh viện Tôn Dật Tiên ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Một bác sỹ khoa sản của bệnh viện cho biết đây là trường hợp sinh con thành công đầu tiên nhờ phôi thai đông lạnh kể từ khi bệnh viện cung cấp dịch vụ này vào năm 1994. Người mẹ này gặp vấn đề về sức khỏe khiến cô bị vô sinh. Tuy nhiên, cô vẫn xoay sở tìm cách sinh con đầu lòng bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vào năm 2000. Sau đó cô đề nghị bệnh viện đóng băng 18 phôi thai còn lại.
Sau khi chính sách một con của Trung Quốc hết hiệu lực vào ngày 1/1/2016, thì vào tháng 5/2016, cô quay lại bệnh viện và yêu cầu bác sỹ cấy phôi đông lạnh vào tử cung để cô sinh thêm con.
Bác sĩ phụ trách, Wang Zilian, cho biết quy trình này cực kỳ khó khăn bởi tuổi tác và tiền sử bệnh lý của người mẹ, bao gồm cả thiếu máu và tiểu đường trong thai kỳ, một dạng ít gặp của bệnh tiểu đường vốn chỉ phát triển vào quá trình mang thai.
PV