Sức khỏe 24h: “Ghép thận chéo”thành công; Cảnh báo bùng phát thủy đậu
; Cứu sống bệnh nhân bị dao đâm thủng hộp sọ; Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh tay – chân – miệng; Phẫu thuật cứu bệnh nhân sập lồng ngực do tai nạn giao thông ; Cảnh báo bùng phát thủy đậu mùa xuân… là những tin sức khỏe đáng chú ý của ngày hôm nay (7/2).
Hai ca "ghép thận chéo" lần đầu tiên được thực hiện thành công ngoạn mục
Sáng 7/2, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), TS Thái Minh Sâm đã chính thức thông báo về thành công của ca đổi chéo 2 cặp ghép thận lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam.
T.S Thái Minh Sâm, Trưởng Khoa Tiết niệu (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, từ năm 1992 đến nay Bệnh viện Chợ Rẫy đã ghép thành công 560 ca. Tuy nhiên, đây là ca ghép chéo đầu tiên giữa 2 cặp cho và nhận.
Hai bệnh nhân là chị L.T.A.H (31 tuổi, ngụ tại Kiên Giang) và chị V.T.H( 32 tuổi, ngụ tại tỉnh Đak Nông. Cụ thể : Chị L.T.A.H được bà N.T.H( 58 tuổi, mẹ của chị V.T.H) hiến tặng thận) và chị V.T.H, được ông T.N.X( 51 tuổi) là cha dượng của chị L.T.A.H hiến thận.
Hai ca phẫu thuật ghép thận tiến hành cùng lúc vào 8h sáng 11/1/2017 và cùng kết thúc lúc 14h cùng ngày. Cuộc ghép thận chéo thành công với các biểu hiện chức năng 2 thận trở về bình thường sau ghép 2 ngày; dẫn lưu cạnh thận được rút sau 3 ngày, thông niệu đạo được rút sau 5 ngày; 2 bệnh nhân ổn định và xuất viện sau mổ 7 ngày. Sáng 7/2, trở lại kiểm tra, sức khỏe cả 2 bệnh nhân đã hồi phục và trở lại bình thường. ...
Cứu sống bệnh nhân bị dao đâm thủng hộp sọ
Chiều 7.2, bác sĩ Phạm Anh Tuấn, Khoa ngoại chấn thương, Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An cho biết bệnh Văn Dương Việt (22 tuổi, ngụ xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) đã có dấu hiệu hồi phục trở lại sau ca phẫu thuật kéo dài gần 3 giờ.
Trước đó, khoảng 21 giờ ngày 6.2, bệnh nhân Việt được gia đình đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh Long An cấp cứu trong tình trạng bị con dao bầu và dài đâm xuyên qua hộp sọ, trúng vào não. Lúc này, bệnh nhân mất rất nhiều máu và rơi vào trạng thái hôn mê sâu.
Sau ca phẫu thuật kéo dài gần 3 giờ, các bác sĩ đã lấy con dao ra khỏi hộp sọ bệnh nhân, tích cực hồi phục não. Hiện bệnh nhân Việt có dấu hiệu chuyển biến tốt.
Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh tay – chân – miệng
Đến nay, Bộ Y tế đã ghi nhận hơn 2.100 trường hợp mắc bệnh tay – chân – miệng (TCM) tại 57 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trước tình hình này, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo tới người dân các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả. Bệnh TCM là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.
Để chủ động phòng chống bệnh TCM, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp như: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Đặc biệt, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất.
Phẫu thuật cứu bệnh nhân sập lồng ngực do tai nạn giao thông
Sáng 7/2, bác sĩ Nguyễn Viết Đồng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật cấp cứu, nâng lồng ngực cho một bệnh nhân bị tai nạn giao thông sập lồng ngực.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Đức Dũng, Trưởng khoa ngoại tổng hợp, ngày 16/1, khoa tiếp nhận bệnh nhân Đặng Đình Roong (71 tuổi, ở xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh) bị tai nạn giao thông, trong tình trạng suy hô hấp nặng, trụy mạch.
Qua thăm khám, chẩn đoán bệnh nhân Roong bị sập lồng ngực, vỡ gãy xương đòn, xương ức, gãy mảng sườn di động trước, phải tiến hàng mổ gấp.
Bác sĩ 2 khoa Ngoại tổng hợp và Hồi sức đã tích cực phối hợp cấp cứu bệnh nhân, phẫu thuật và điều trị theo phương pháp cố định xương ngoài, dẫn lưu màng phổi 2 bên, kết hợp với thở máy và hồi sức tích cực trong nhiều ngày liên tục.
Cảnh báo bùng phát thủy đậu mùa xuân
Ngày 7-2, BS Vũ Mạnh Cường, Khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện E cho biết, trong một tháng gần đây, khoa này tiếp nhận và điều trị hơn 20 ca mắc bệnh thủy đậu, trong đó không có trường hợp bị biến chứng nguy hiểm và tử vong.
Theo BS Vũ Mạnh Cường, thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông xuân hàng năm, kéo dài cho tới hết mùa xuân. Đến nay, bệnh thủy đậu đang vào mùa, dễ lây lan rộng trong môi trường tập thể. Trẻ em trong độ tuổi từ 2-8 tuổi có nguy cơ mặc bệnh cao nhất, ngoài ra người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ. Người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em.
TS.BS Lương Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp – Bệnh viện E, cho biết thủy đậu là bệnh cấp tính do virus varicella zoster gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp. Dịch tiết ra từ người bệnh có thể lây gián tiếp cho người khác qua các đồ vật.
Khi bệnh khởi phát, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ. Người chưa mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vaccine đều cảm nhiễm với bệnh.
Thùy Linh