Tầm vóc Hồ Chí Minh - Nhân cách lớn của nền Báo chí Cách Mạng Việt Nam
(SK&MT) - Những ngày tháng 6 này, người làm báo trân trọng, tự hào kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020). Trong sự hân hoan và tự hào đó, chúng ta lại nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người không chỉ là lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam mà còn là một cây bút xuất sắc, một nhà báo lớn, Người khai sinh nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Trong suốt hành trình vất vả gian lao tìm đường cứu nước, Bác Hồ của chúng ta đã tự học cách viết báo và cách làm báo. Là người am hiểu tinh hoa văn hóa, sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, Người đã thấy rõ sức mạnh to lớn, diệu kỳ của báo chí trong sự nghiệp cách mạng, trong đời sống xã hội và trong việc nâng cao dân đức, dân trí.
Với 60 năm hoạt động cách mạng cứu nước, cứu dân, Bác Hồ đã dùng báo chí như một vũ khí sắc bén để đấu tranh với kẻ thù của dân tộc, đồng thời tuyên truyền, động viên, giác ngộ nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng XHCN. Trong suốt cuộc đời của mình, Bác Hồ đã viết gần 3.000 bài báo trong nước và quốc tế với gần 200 bút danh khác nhau. Riêng cho báo Nhân Dân là 1.200 bài. Bài báo đầu tiên của Bác có nhan đề “Quyền các dân tộc”, với bút danh Nguyễn Ái Quốc, đăng báo Nhân Đạo, cơ quan T.Ư của Đảng CS Pháp, ra ngày 18/6/1919. Bài báo cuối cùng của Bác là bài “Thư trả lời Tổng thống Mỹ”, đăng báo Nhân Dân ngày 25/8/1969, tức là trước một tuần ngày Bác đi xa. (Có tài liệu cho rằng: Bài báo cuối cùng của Bác là bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”, ký tên CB, đăng báo Nhân Dân, số ra ngày 1/6/1969).
Cuộc đời làm báo của Người và những huấn thị về báo chí, những câu chuyện tiếp xúc với báo giới trong và ngoài nước… đã để lại cho các thế hệ làm báo những bài học vô giá.
Trong bức thư gửi giới trí thức Nam Bộ ngày 25/5/1947, trong đó có các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, mà anh em văn hóa trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”. Người đề ra sứ mệnh gồm 4 chữ cho các nhà báo, nhưng gần như bao quát cả sự nghiệp của những nhà báo chân chính. Bây giờ, chúng ta đều biết, ngay “phò chính” cũng không hề dễ, chứ đừng nói tới “trừ tà”. Bởi phải biết đâu là “chính” thì mới “phò” đúng được, vì nhiều khi giữa “chính” với “tà” không đơn giản chỉ là “trắng” và “đen”, mà còn có những điểm đan xen, buộc nhà báo phải tinh tường và có lương tâm mới phân biệt ra được.
Trước một vụ việc phải phân định được đúng, sai, phải cân đong đo đếm được những mức độ của phải và trái, thì mới viết được bài báo đúng với tiêu chí của Bác Hồ đặt ra là “phò chính” và “trừ tà”. Nếu nhà báo lẫn lộn ngay từ khâu phân định, thì không mong gì họ có được những bài báo trung thực và tích cực.
Trong sự nghiệp làm báo của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ bài báo đầu tiên đã cố gắng để viết ngắn nhất và nói rõ nhất điều mình muốn nói cho đông đảo người đọc có thể chia sẻ được. Chính vì rèn luyện được phong cách viết báo cô đọng và giản dị như thế mà trong nhiều trường hợp, những câu chữ ngắn gọn, dễ hiểu của Bác Hồ lại phải được người đọc suy ngẫm để cảm thấu được những biên độ cả trong và ngoài chữ nghĩa của Bác. “Phò chính, trừ tà” là một câu nói ngắn gọn nhưng nội hàm là rất sâu, và biên độ lại rất rộng.
Điều đáng nói ở đây, nhận thức rõ tầm quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng, Bác rất cẩn trọng trong từng câu chữ, ý tứ, nội dung các bài báo mình viết. Bác luôn quan niệm phải viết sao cho dân chúng hiểu và quan tâm đọc. Bác có một thói quen là thường đem những bài báo sau khi viết xong cho những người xung quanh nghe và góp ý, kể cả khi Người đã làm Chủ tịch nước. Văn phong của Bác thường ngắn gọn, trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ mà vẫn thể hiện những nội dung quan trọng cần truyền bá tới người dân.
Đã gần một thế kỷ trôi qua, nền báo chí Cách Mạng Việt Nam đã và đang khẳng định vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển đất nước, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Đến nay Báo chí Cách Mạng Việt Nam đã phát triển không ngừng kể cả về số lượng và chất lượng. Báo chí Cách Mạng Việt Nam, người làm báo Cách Mạng Việt Nam hôm nay đã và đang xây dựng cho mình một tâm thế với “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” để thực sự góp phần cho đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp văn minh như mong ước của Bác về một nền Báo chí Cách Mạng Việt Nam vì nước, vì dân, hôm qua, hôm nay và ngày mai.
AN PHONG