Tình trạng đổ chất thải bừa bãi tại Gia Lâm (Hà Nội) và Văn Giang (Hưng Yên): Doanh nghiệp ngành môi trường gây… ô nhiễm
Phóng viên tòa soạn đã tới hiện trường và ghi nhận thực tế. Các xe chở chất thải đều là xe chuyên dụng và có phù hiệu của các công ty môi trường, cụ thể là Công ty Cổ phẩn Môi trường và Phát triển Đô thị Hà Nội (UDECO) và Công ty Cổ phẩn Môi trường ECO Hà Nội.
Đi theo xe tải mang BKS 29C – 730.07 và xe BKS 29H – 228.90 có gắn tên Công ty Cổ phẩn Môi trường và Phát triển Đô thị Hà Nội, phóng viên nhận thấy, những xe này chở đầy chất thải, vật liệu xây dựng chạy thẳng về khu vực thôn 8, xã Kim Lan (huyện Gia Lâm, Hà Nội) để đổ, trên quãng đường di chuyển đã đánh rơi nhiều vật liệu xây dựng, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Khu vực đổ thải là hồ của một hộ dân, cứ khoảng 30 phút thì có một xe chạy về đây đổ, tại đây đã có hàng chục công nhân đứng đợi sẵn để vội vàng san gạt đất đá.
Các xe chở rác thải di chuyển đến khu vực bãi đổ.
Ngoài UDENCO, Công ty Cổ phẩn Môi trường ECO Hà Nội cũng có nhiều xe tham gia đổ chất thải. Đoàn xe này thường đổ chất thải tại địa điểm khu vực Ecopark Văn Giang (Hưng Yên). Đây là một bãi đất hoang, mỗi ngày có hàng chục tấn phế thải, chất thải xây dựng được công ty này mang đến đổ mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Không chỉ đổ thải trong các bãi đất trống của những dự án, hay trong khu vực ao hồ, những xe chở chất thải xây dựng còn sẵn sàng đổ trộm chỗ vắng người như ven đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, hoặc ngay đối diện với công trình Vinhomes…
Được biết, Công ty UDENCO Hà Nội ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình để vận chuyển chất thải, vật liệu xây dựng cho những công trình lớn trên địa bàn TP. Hà Nội.
Còn Công ty ECO Hà Nội được Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta ký kết hợp đồng để vận chuyển chất thải, vật liệu xây dựng. Các công ty này đều hoạt động trong lĩnh vực môi trường nhưng lại bất chấp các quy định của pháp luật, vi phạm một cách công khai.
Trao đổi với phóng viên, anh N.V.D, một cư dân sống ở xã Kim Lan (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Hàng ngày tôi thường xuyên đi qua con đường này, chứng kiến những đống phế thải được đổ tràn lan rất mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Việc đổ trộm này diễn ra từ lâu và được thực hiện công khai giữa ban ngày”.
Chị N.T.N sống gần khu đô thị Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên) bức xúc: “Những xe chứa chất thải xây dựng đưa về khu vực này đổ không che chắn cẩn thận, khiến vật liệu rơi khắp đường gây nguy hiểm cho phương tiện tham gia giao thông. Chúng tôi rất muốn phản ánh với cơ quan chức trách nhưng vì sợ bị hành hung nên lại thôi”.
Dưới đây là những hình ảnh mà phóng viên ghi lại được:
Người đàn ông dùng bạt phủ kín chất thải xây dựng chứa trong thùng xe ô-tô.
Việc đổ trộm chất thải đã diễn ra từ lâu và được thực hiện công khai ngay giữa ban ngày.
Bãi đất hoang, nơi hàng hàng chục tấn phế thải được trút xuống mỗi ngày.
Xe chở chất thải ngang nhiên đổ rác xuống hồ.
Luật sư Hoàng Văn Hà – đoàn Luật sư Thành Hà Nội cho biết: Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã quy định: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại ngoài địa bàn quy định trong giấy phép xử lý chất thải nguy hại; Vận chuyển chất thải nguy hại không theo tuyến đường, quãng đường, thời gian theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; Phương tiện, thiết bị chuyên dụng thu gom, vận chuyển, đóng gói, bảo quản và lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định; Để lẫn chất thải nguy hại khác loại có khả năng phản ứng, tương tác với nhau trong quá trình vận chuyển hoặc trong quá trình lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; không thu gom triệt để chất thải nguy hại và để chất thải nguy hại ngoài trời gây ô nhiễm hoặc làm phát tán ra môi trường xung quanh…
|
Tại Điều 6, Thông tư số 08/2017/TT-BXD quy định rõ: Khi tiến hành thi công xây dựng công trình, chủ nguồn thải phải bố trí thiết bị hoặc khu vực lưu giữ chất thải rắn xây dựng (CTRXD) trong khuôn viên công trường hoặc t ại địa điểm theo quy định của chính quyền địa phương. Địa điểm lưu giữ CTRXD phải bố trí ở nơi tránh bị ngập nước, hoặc nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào, đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh khu vực lưu giữ. Thiết bị, khu vực lưu giữ CTRXD phải đảm bảo không gây cản trở giao thông của khu vực và đảm bảo mỹ quan đô thị; phải ghi hoặc dán nhãn thông tin về loại CTRXD. Thời gian lưu giữ CTRXD phù hợp theo đặc tính của loại chất thải và quy mô, khả năng lưu chứa của thiết bị, địa điểm lưu giữ. Các loại CTRXD có thể tái chế, tái sử dụng được phân loại phải lưu chứa trong các thiết bị hoặc khu vực lưu giữ riêng. |
Theo quy định pháp luật, chất thải thuộc danh mục nguy hại phải được kiểm soát theo vòng tròn khép kín, từ nơi phát sinh nguồn thải đến khâu xử lý cuối cùng. Vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan như thế nào? Sức khỏe và Môi trường điện tử sẽ tiếp tục phản ánh về tình trạng này trong các bài sau.
Nhóm PV