Trao tặng hệ thống nước sạch cho trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Mỹ Lý 2 (Kỳ Sơn, Nghệ An)
Di chuyển vào điểm trường bằng xuồng trên Sông Nậm Nơn, một trong hai nhánh sông nơi đầu nguồn của dòng Lam |
Từ thị trấn Mường Xén (cách thành phố Vinh 300km), vượt 50 km đường đồi núi quanh co đến đồn Biên phòng Mỹ Lý, di chuyển thêm 30 phút bằng xuồng máy ngược dòng Nậm Nơn – nơi đầu nguồn con sông Lam hùng vĩ, đoàn chúng tôi mới đến được với trường Mỹ Lý 2, một trong những điểm trường thuộc vùng sâu của huyện biên giới Kỳ Sơn. Mặc dù đang là kỳ nghỉ hè nhưng rất đông các thầy cô giáo đã có mặt để đón tiếp đoàn, thầy Trần Sỹ Hà, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ “Điều kiện sinh hoạt của các em học sinh nơi đây vô cùng thiếu thốn nhất là nước sạch dành cho các em, nước mặc dù được lọc nhưng khi đun sôi thường để lại một lớp bám ở đáy ấm, có váng và mùi rất khó chịu”.
Hiện tại trường đang có 230 em học sinh theo học, trong đó 125 em bán trú, mặc dù là trường bán trú, nhưng do điều kiện đi lại khó khắn nên học sinh bán trú ở đây đều ở lại trường như là học sinh nội trú, vì vậy, nhu cầu về nước sạch cho các em là vô cùng bức thiết. “Trường cũng chỉ mới có điện 3 tháng gần đây, thời điểm tôi tiếp quản thì hầu như mất liên lạc với gia đình ở quê” ông Hà chia sẻ thêm.
Nhà ở bán trú dành cho 125 em học sinh tại trường PTDTBT TH Mỹ Lý 2 |
Hệ thống lọc nước lắp đặt tại trường lần này là kết quả chuyển giao từ chương trình Giải pháp hữu ích số 1048 của Cục sở hữu trí tuệ với tên sáng chế: “Quy trình xử lý nước ngầm nhiễm phèn và nước cứng hoàn toàn bằng ô xy không khí.” Anh Trần Hoàng Phương - Chủ nhiệm dự án, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KHCN Nghệ An cho biết: Tính ưu việt của mô hình này là lọc các kim loại nặng, chuyển hóa sắt 2, manggan thành hidroxit sắt 3 và sẽ kết tủa lại ở hệ thống lọc ngược. Chất hidroxit sắt 3 còn có tác dụng hút cả a sen trong nước rồi thải ra bên ngoài qua cửa van tự động hấp thụ. Nguồn nước từ bể lọc thô, được chuyển qua bể lọc tinh, lọc qua than hoạt tính, cát sỏi thạch anh, măng gan, là những vật liệu rất tốt trong công nghệ lọc nước tiên tiến hiện nay.
Một trong những điểm mới của quy trình xử lý nước ngầm là do áp dụng phương pháp lọc ngược nên đơn giản trong súc rửa bộ lọc. Chỉ cần xả van ở đáy bộ lọc, theo định kỳ từ 1-2 tháng/lần, mà không cần phải tháo rửa bồn nước. với công suất 3m3/ngày, chất lượng nước đảm bảo sạch có thể uống được. Theo kết quả phân tích kiểm nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy: Các chỉ tiêu hóa, lý, vi sinh đều đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn QCVN 02: 2009 của Bộ Y tế.
PGS.TS Trần Ngọc Anh và thầy Trần Sỹ Hà hiểu trưởng nhà trường trong buổi bàn giao hệ thống lọc nước. |
Tại buổi bàn giao, PGS.TS Trần Ngọc Anh, Khoa Khí tượng - Thủy văn và Hải dương học, trường Đại học Khoa học Tự Nhiên đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ “Mặc dù đã rời ghế nhà trường từ lâu rồi, nhưng vẫn luôn luôn nghĩ về mái trường, nghĩ về nơi mình đã từng học tập, nghĩ về quê hương, mảnh đất nơi mình đã sinh ra. Rất tự hào vì các thành viên trong lớp đã đoàn kết, bên cạnh những hoạt động tương trợ các thành viên còn nhiều khó khăn trong lớp, lần này tập thể lớp có một món quà nhỏ đến với trường PTDTBT TH Mỹ Lý 2, cũng hiểu rằng món quà lần này rất là nhỏ nhưng là tấm lòng của các thành viên trong lớp. Mong rằng món quà nhỏ này sẽ góp phần giúp các thầy cô trường Mỹ Lý 2 vượt qua khó khăn hiên tại, tiếp tục công cuộc trồng người nới vùng biên viễn, thay mặt cho lớp trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình của các thầy cô, mặc dù trong ngày nghỉ nhưng đã có mặt đông đủ để tiếp nhận bàn giao – mong cho mái trường Mỹ Lý 2 luôn luôn phát triển, đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh, trưởng thành để đóng góp cho quê hương, cho Tổ Quốc”. Ngoài hệ thống lọc nước sạch, anh Hồ Tuấn Sỹ, một thành viên trong đoàn đã ủng hộ thêm 5 triệu đồng trong đó một phần để mua bồn nước inox và một phần tiền ủng hộ nhà trường để làm kinh phí duy trì cho hệ thống.
Mắc dù đang là ngày nghỉ nhưng đông đảo thầy cô giáo đã có mặt tại trường để tham gia buổi bàn giao |
“Những hệ thống lọc nước sạch dành cho các điểm trường là vố cùng thiết yếu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu bệnh tất cho các em nhỏ nơi vùng cao biên giới. Cảm ơn các bạn thành viên lớp A khóa 1988-1991 trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng đã về với Kỳ Sơn, về với bản làng” – Ông Nguyễn Viết Hùng Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn chia sẻ.
Hệ thống lọc với công suất 3 mét khối một ngày cho ra nước có thể uống được |
Huyện biên giới Kỳ Sơn là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Nghệ An, những điểm trường như trường Mỹ Lý 2 do điều kiên kinh tế - xã hội còn khó khăn, nước sinh hoạt hầu như lấy từ nguồn nước khe suối, nước ngầm… chưa qua xử lý, chất lượng không đảm bảo.
WHO từng cảnh báo Việt Nam có tới 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và chất lượng nước kém, thiếu vệ sinh. Theo Bộ TNMT, đến 30% dân số chưa nhận thức được tầm quan trọng của sử dụng nước an toàn. Nước nguồn và nước uống khu vực nông thôn là gần như không được kiểm soát. Chị Phạm Kim Diệp trưởng ban liên lạc tại Vinh chia sẻ “Với tiêu chí, chương trình nước sạch cho em, mong rằng còn có nhiều chương trình, nhiều tổ chức đến được với các em học sinh và đồng bào nới đây, đó cũng là mong muốn của mỗi chúng ta, những thứ đẹp đẽ không nhìn thấy được, chỉ có thể cảm nhận, vì vậy hãy đi, đến và cảm nhận nó”