Xã Hải Lựu (Sông Lô): Nghiêm túc xử lý rác thải vì môi trường xanh sạch đẹp
Vấn đề tồn tại, khó khăn…
Liên quan đến những tồn tại của bãi rác thải gây ô nhiễm môi trường tại thôn Giếng Trẹo, Ông Đào Tiến Trung, Chủ tịch UBND xã Hải Lựu cho biết, từ khi xây dựng bãi rác tập trung năm 2016, UBND xã đã xây dựng phương án thu gom rác thải sinh hoạt của các hộ dân, tập kết về bãi rác theo đúng mục đích. Với chức năng xử lý rác thải sinh hoạt, UBND xã đã ký hợp đồng với Hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường là đơn vị đáp ứng đầy đủ về nhân lực, phương tiện thu gom gồm 9 người cùng 1 xe ô tô, 10 xe đẩy , và vận hành lò đốt rác; với 9 lần thu gom rác 1 tháng. Tuy nhiên, qua nhiều năm thu gom và xử lý, đến nay lượng rác thải tập trung về bãi rác thông Giếng Trẹo đã vượt quá công suất của lò đốt và đã xuống cấp. Lượng rác thải tồn đọng tại bãi rác khoảng 1.200 tấn.
Bên cạnh đó, tồn tại tình trạng một số người dân thiếu ý thức đổ rác tràn lan ngoài khu vực bãi rác khiến công tác bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực quanh bãi rác gặp nhiều khó khăn.
Chủ tịch UBND xã Hải Lựu Đào Tiến Trung: “Xã đã chỉ đạo xử lý ô nhiễm bãi rác ngay khi Tạp chí Sức khỏe & Môi trường phản ánh” (Ảnh: Hoàng Nam)
Những giải pháp lâu dài….
Là 1 trong 2 xã được chọn hoàn thành chương trình xây dựng NTM trong năm 2015 của huyện Sông Lô, bắt tay vào xây dựng NTM. Trong số 19 tiêu chí phải thực hiện, xã gặp khó khăn nhất khi thực hiện tiêu chí môi trường. Do địa bàn rộng, dân cư sống phân tán, không tập trung, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, đặc biệt là nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế nên công tác bảo vệ môi trường ở đây gặp không ít khó khăn.
Ngày 8/12/2015, Đoàn Thẩm định số 1, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Vĩnh Phúc, do ông Trần Mạnh Định, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (thời điểm đó) làm Trưởng đoàn tiến hành thẩm định, xét công nhận xã Hải Lựu (huyện Sông Lô) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.
Khi đó, tiêu chí số 17 về môi trường của xã Hải Lựu cơ bản đạt, tuy nhiên do đây là tiêu chí “động”, nếu không có những giải pháp căn cơ, chiến lược lâu dài như địa điểm xử lý rác thải, công nghệ xử lý rác thải, kinh phí xử lý rác thải thì sẽ dẫn đến những khó khăn nhất định.
Với những tồn tại hạn chế khi phóng viên Sức khỏe & Môi trường đi sâu tìm hiểu và nếu ra nhiều thực trạng ô nhiễm môi trường, UBND xã Hải Lựu đã có những phản hồi kịp thời và triển khai các phương án khắc phục.
Mùi khó chịu từ bãi rác đã được giảm thiểu tối đa bởi lớp bạt phủ, rác thải không còn lộ thiên (Ảnh: Hoàng Dương)
Cụ thể, ông Đào Tiến Trung, UBND xã đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn và HTX dịch vụ vệ sinh môi trường huy động máy xúc thu gom số lượng rác đổ tràn ra bên ngoài, tiến hành phủ bạt lượng lớn rác thải tại bãi rác nhằm hạn chế nước mưa, nắng làm bốc mùi khó chịu. Đồng thời, cho phun khử khuẩn, xử dụng các chế phẩm, vôi bột, rắc xung quanh bãi rác, khử nấm mốc, vi khuẩn, nước ô nhiễm… đồng thời, nâng tần suất sử dụng lò đốt rác nhằm giảm thiểu lượng rác thải tồn động lâu ngày.
Bên cạnh đó, diện tích bãi rác hiện mới chỉ sử dụng 600m2, còn lại 700m2 UBND xã sẽ tiến hành san mặt bằng, xây dựng khu thu gom, xử lý rác thải đúng quy định, góp phần giảm tải cho diện tích đã sử dụng, từ đó sẽ đảm bảo môi trường được trong sạch hơn.
Diện tích bãi rác giải phóng mặt bằng xong chưa sử dụng đến sẽ góp phần giảm tối đa ô nhiễm môi trường của bãi rác (Ảnh: Hoàng Dương)
Với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho người dân không bị ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường, UBND xã Hải Lựu sẽ nghiên cứu xây dựng kế hoạch thu gom rác, yêu cầu các hộ dân xử lý, phân loại rác hữu cơ ngay tại hộ gia đình, để giảm thiểu lượng rác tập trung về bãi tập kết.
Trong tiến trình xây dựng và phát triên của một địa phương, dưới sự lãnh chỉ đạo của Đảng, Chính phủ; Chính quyền địa phương các cấp đã thực hiện tốt các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân về mọi mặt như năng suất lao động, thu nhập hàng năm, lợi ích công cộng điện đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, đời sống tinh thần, vật chất nâng cao rõ rệt.
Để duy trì được những thành tựu đã đạt được trong Xây dựng Nông thôn mới, không chỉ cần trách nhiệm, vai trò quản lý, lãnh đạo của chính quyền địa phương xã Hải Lựu mà rất cần sự chung tay, góp sức của người dân, đặc biệt trong thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường. Ý thức phân loại rác thải của mỗi người dân, xả thải đúng quy định, có trách nhiệm tuyên truyền với cộng đồng bảo vệ môi trường, có như vậy mới mong những kỳ vọng từ chương trình Xây dựng Nông thôn mới sẽ bền vững, làm thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam nói chung và nông thôn Vĩnh Phúc nói riêng.
Nhóm PV