Xã Liêm Chung (TP Phủ Lý, Hà Nam): Hô biến hàng trăm mét vuông đất thổ cư thành đất nông nghiệp
Không được cấp GCNQSDĐ khi được thừa kế?
Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường nhận được đơn phản ánh của bà Dương Thị Hà (SN 1982, trú tại tổ 5, phường Quang Trung, TP Phủ Lý, Hà Nam), về việc UBND xã Liêm Chung (TP Phủ Lý) xác định sai nguồn gốc đất, khiến quyền lợi của gia đình bà Hà bị ảnh hưởng trong quá trình thu hồi đất triển khai dự án.
Theo đơn kiến nghị, bà Hà được thừa kế thửa đất 121, tờ bản đồ số 01, diện tích 175m2 từ bố mẹ đẻ (đã mất). Nguồn gốc thửa đất được tách ra từ diện tích 1410m2 do bố mẹ bà Hà sử dụng từ trước năm 1986. Sau khi bố mẹ bà Hà qua đời, diện tích đất trên được thừa kế, chia tách cho các con, trong đó có thửa đất 121 của bà Hà. Các thửa đất chia tách cho anh chị em của bà Hà đều đã được cấp GCNQSDĐ. (Trong đó, 2 thửa cho hai người anh trai của bà Hà là Dương Văn Trọng – thửa 133, Dương Văn Thanh – thửa 122).
Sau khi nhận thừa kế hợp pháp thửa đất số 121, vào năm 2017, bà Hà đã gửi hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ lên UBND xã Liêm Chung, nhưng đến năm 2019, bà Hà vẫn không được chính quyền địa phương công nhận quyền hợp pháp đối với thửa đất 121. “Tôi không hiểu lý do tại sao tôi không được cấp GCNQSDĐ”, bà Hà bức xúc nêu.
Bà Hà chỉ vị trí thửa đất số 121 đang bị “nhập nhằng” khi xác định nguồn gốc.
Ngày 27/3/2019, UBND TP Phủ Lý có Thông báo số 212/TB-UBND về việc thu hồi đất để thực hiện giải phóng mặt bằng, phục vụ công trình Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất tại địa bàn xã Liêm Chung. Theo đó, UBND TP Phủ Lý thu hồi 175m2 thửa đất số 121, tờ bản đồ số 1 của bà Hà và xác định thửa đất nêu trên của bà Hà là… đất nông nghiệp.
Căn cứ vào thông báo nêu trên của UBND TP Phủ Lý, ngày 16/5/2019, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng TP Phủ Lý ra thông báo số 49/TB-UBND về việc công khai phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của hộ dân để thực hiện công trình Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất tại địa bàn xã Liêm Chung.
Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng TP Phủ Lý tính mức bồi thường, hỗ trợ cho bà Hà diện tích 175m2 với mức giá 34.650.000đ (Ba mươi tư triệu, sáu trăm năm mươi nghìn đồng), trong đó; bồi thường tiền đất nông nghiệp số tiền 10.150.000đ; bồi thường cây trồng 1.575.000đ; hỗ trợ ổn định đời sống 2.625.000đ; hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm 20.300.000đ.
Tiếp đó, đến ngày 27/11/2019, UBND TP Phủ Lý lại tiếp tục ra Quyết định số 5741/QĐ-UBND về việc thu hồi đất (lần 2) đối với hộ bà Dương Thị Hà. Kèm theo quyết định này là biểu giá tính bồi thường, hỗ trợ đất và các chính sách khác, tổng số tiền là 33.075.000đ (Ba mươi ba triệu, không trăm bảy mươi lăm nghìn đồng).
Bức xúc trước thông báo thu hồi đất của UBND TP Phủ Lý, bà Hà đã gửi đơn kiến nghị các cấp chính quyền, đề nghị làm rõ nguồn gốc đất của gia đình
Bản đồ địa chính ghi đất ở, chính quyền lại khẳng định là đất nông nghiệp
Ngày 27 /5/2020, tại Thông báo số 19/TB-UBND về việc trả lời đơn đề nghị của bà Hà, UBND xã Liêm Chung căn cứ vào hồ sơ địa chính năm 1986 và năm 1999 để xác định thửa đất 121 của bà Hà là đất ao.
Để ra Thông báo số 19, chính quyền xã Liêm Chung nhận định, từ năm 1993 đến nay, do gia đình bà Hà vẫn sử dụng diện tích trên vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Theo hồ sơ giao đất năm 1993, đã ép 0,3 sào tương đương 108m2 đất 201 (đất nông nghiệp tự lấn chiếm) cho gia đình bố mẹ bà Hà vào tiêu chuẩn đất nông nghiệp, đến năm 2001, thực hiện chỉ thị 15, chính quyền thôn 4 xã Liêm Chung tiếp tục giao 175m2 tại thửa 121 vào tiêu chuẩn đất nông nghiệp cho gia đình.
Thực tế, nếu xác minh nguồn gốc theo quy định Luật Đất đai, thửa đất bà Hà thừa kế lại của bố mẹ, đã được gia đình sinh sống ổn định từ 1986 (theo trích lục), phù hợp quy hoạch, vì vậy, đó là đất ở hợp pháp (được hình thành trước ngày 15/10/1993), đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ. Bên cạnh đó, nếu là đất ở, nhưng gia đình chưa có điều kiện xây dựng, bà Hà có thể tận dụng để trồng trọt, thì không thể coi việc sử dụng đó để xác định nguồn gốc đất. Việc chính quyền xã Liêm Chung tự ý thay đổi nguồn gốc đất thiếu căn cứ pháp lý như vậy là câu chuyện bi hài, hoặc do năng lực cán bộ làm công tác địa chính. Thậm chí, giả thiết rằng, ngay cả đất ở đô thị, người dân mua xong chưa thể xây nhà, vẫn có thể trồng rau, cũng không vì cái “mục đích sử dụng” ấy mà khu đất ở lại biến thành đất nông nghiệp.
Ngày 18/7/2019, UBND xã Liêm Chung đã tổ chức hội nghị để xác minh nguồn gốc sử dụng đất thửa đất 121 và vẫn khẳng định thửa đất số 121, tờ bản đồ số 1 diện tích 175m2 của bà Hà là đất nông nghiệp.
Bản đồ địa chính năm 2004, ghi thửa đất số 121 của bà Hà là đất ở nông thôn (ONT).
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Liêm Chung, cho biết: UBND xã đã trả lời bằng văn bản rất rõ ràng nguồn gốc, hiện trạng và quá trình sử dụng đất của gia đình bà Hà.
Khi PV hỏi, trên bản đồ đo đạc địa chính năm 2004 của UBND xã Liêm Chung đã xác định thửa đất số 121, tờ bản đồ số 1, diện tích 175m2 của bà Hà là đất ở nông thôn, thì ông Hải nói rằng, đó không phải là bản đồ địa chính mà là bản đồ đo đạc hiện trạng. Ông Hải cho rằng khi làm quy hoạch, vị trí nêu trên là vị trí đất ở, khi phân lô bao giờ cũng ghi là đất ở nông thôn!?
Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
SONG LINH