Yên Bái: Linh thiêng nghi lễ rước Mẫu sang sông trong Lễ hội Đền Đông Cuông
Đúng 8 giờ sáng, Lễ rước Mẫu qua sông được tiến hành tuần tự theo đúng nghi thức trang trọng và linh thiêng nhất của nhà đền. Kiệu Mẫu được trai đinh chuẩn bị và được các tín nữ trang trí từ hôm trước. Thầy Mo và những người giúp việc trong trang phục truyền thống của người Tày Khao làm thủ tục sửa soạn những vận dụng cần thiết cho Mẫu. Các giai chay đưa kiệu đã lau rửa sạch sẽ ra giữa gian chính điện (cung Công Đồng) để lắp kiệu. Lắp kiệu trang trí xong thì di chuyển tượng Mẫu (Vua Mẹ) và tượng Vua Báo (con trai) từ cung cấm ra kiệu.
Tượng Mẫu và tượng Vua Báo được đưa ra từ cung cấm ( ảnh:Báo Yên Bái ) |
Tượng Vua Mẹ và Vua Báo được cuốn xung quanh bằng vải nhiễu đỏ; các giai chay rước bát hương lớn, hộp sắc, cơi trầu và bát đựng 2 quả trứng vịt nhuộm màu đỏ hồng và một mâm lễ từ cung cấm ra cung Công Đồng.
Dân bản rước kiệu Mẫu từ đền Đông Cuông sang miếu Ghềnh Ngai thăm Đức Ông. Thứ tự đội hình rước kiệu được bố trí gồm: cờ ngũ hành, cờ hội, chiêng, trống, dội múa dân tộc, lễ vật, đôi vật, chủ lễ, thầy mo (bê hòm sắc phong), kiệu Mẫu, nhạc bát âm, kiệu vua Páo, quan viên và đông đảo nhân dân thôn bản, du khách, thiện tín thập phương…
Lễ rước kiệu Mẫu (vua mẹ) từ Đền chính qua sông sang Miếu Đức Ông thăm Đức Ông, kiệu "Ông Báo” (vua con) đi tiếp sau kiệu Mẫu (vua mẹ). ( ảnh:Báo Yên Bái ) |
Khi kiệu tới bãi cát bờ sông, kiệu sẽ dừng theo hiệu lệnh của ông Thủ từ, khi đó các đô vật sẽ vật hầu, mỗi đôi vật đấu 2 lần (vật lễ). Đây sẽ làm điểm dừng chân để cho đại biểu và nhân dân chui qua kiệu Mẫu, kiệu Vua Báo theo hướng dẫn của lực lượng an ninh, đảm bảo an toàn, có trình tự.
Kiệu tới bãi cát bờ sông, kiệu sẽ dừng theo hiệu lệnh của ông Thủ từ. ( ảnh:Báo Yên Bái ) |
Nghi thức vật hầu Mẫu trong Lễ rước Mẫu sang sông nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. ( ảnh:Báo Yên Bái ) |
Sau khi vật hầu kết thúc, đoàn rước tiếp tục di chuyển, khi đến mép nước bờ sông Hồng, kiệu Vua Báo dừng lại trên bờ, kiệu Mẫu được đưa lên mảng cùng 3 mâm lễ được đưa lên phía đầu mảng. Mảng qua sông cập bến tại Ghềnh Ngai được neo lại. Ông Mo, chủ lễ, phụ lễ lên thắp hương, làm lễ tại tượng đá vái vọng bên miếu Ông. Lễ vật gồm 3 mâm, 2 quả trứng nhuộm đỏ, trầu cau, vàng hương. Sau khi làm lễ tất cả trứng, tiền, vàng, trầu cau được thả xuống sông, mọi người trở lại mảng quay về rước kiệu về hậu cung, thứ tự như lúc đi.
Đúng 10h, kiệu Mẫu và kiệu Vua Báo lại tiếp tục được rước quay về Đền và an vị trong cung cấm. Khi tượng Mẫu và Vua Báo an vị thì nhà đền tiến hành Lễ dâng hương tế Mẫu. Lễ dâng hương cúng tiệc chính gồm 36 mâm với các lễ vật có rượu, thịt trâu luộc chín, xôi, trầu cau, dấm bỗng, tiền dương, tiền vàng giấy, 6 bát, 6 đôi đũa, 6 chén rượu.
Kiệu Mẫu được đưa lên mảng sang miếu Ghềnh Ngai. ( ảnh:Báo Yên Bái ) |
Khi tất cả các nghi lễ kết thúc thầy Mo thực hiện nghi lễ cuối cùng là đóng cửa cung cấm và cửa chính của đền kết thúc lễ hội đầu Xuân của đền Đông Cuông. Theo quan niệm của đồng bào Tày xã Đông Cuông và các vùng lân cận, nghi lễ rước Mẫu là hình thức tái hiện lễ cưới lại "của Mẫu với Đức Ông” mà hậu duệ họ Hà phải tổ chức. Nghi lễ rước Mẫu sang sông đã để lại những ấn tượng đặc biệt đối với người dân và du khách tham dự.
Đã từ lâu, đền Đông Cuông là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội, ẩn chứa nhiều nét văn hóa độc đáo. Nét đẹp và sức sống mãnh liệt của bản sắc văn hóa vùng miền trong Lễ hội đền Đông Cuông được duy trì, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự lưu truyền này không chỉ thể hiện trong những hoạt động lễ hội mà còn nằm trong chính tâm thức của mỗi người dân nơi đây. Thông qua Lễ hội, huyện Văn Yên mong muốn tiếp tục mở rộng quảng bá hình ảnh Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đền Đông Cuông đến với du khách thập phương trong và ngoài nước, từng bước tạo sự đột phá về phát triển du lịch tâm linh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương năm 2024 và các năm tiếp theo.