An Giang: Khu du lịch hoạt động “chui” trong dự án điện mặt trời, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường
Thời gian gần đây, Tòa soạn Sức khỏe & Môi trường nhận được phản ánh của người dân cùng doanh nghiệp sở tại về việc Tập đoàn Sao Mai ngang nhiên tổ chức, quảng bá nhằm khai thác khu du lịch, lôi kéo du khách vào khu Dự án điện mặt trời An Hảo (ấp An Thạnh, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) tham quan, qua đó thu tiền trái phép trong nhiều tháng qua. Việc này làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến các yếu tố an toàn về sức khỏe của du khách.
Phô trương bảng giá, ngang nhiên bán vé, thu tiền “trái phép”
“Khu du lịch điện mặt trời An Hảo" bất chấp các quy định pháp luật và nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ du khách chưa được thẩm định
Ảnh trên do phóng viên Sức khỏe và Môi trường chụp ngay trước cổng khu dự án nhà máy điện mặt trời An Hảo, tại ấp An Thạnh, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang). Theo nhân viên làm việc tại khu dự án nhà máy điện mặt trời An Hảo cho biết, dự án đã được đầu tư, trang trí thành “Khu du lịch điện mặt trời An Hảo” và mở cửa bán vé đón khách tham quan từ trước Tết Nguyên đán đến nay.
Giá vé vào cổng Khu du lịch điện mặt trời An Hảo
Ngay trước cổng gắn bảng “Khu du lịch điện mặt trời An Hảo” có xây cả phòng bán vé kiên cố, chuyên nghiệp. Giá vé bán cho người lớn vào cổng là 100.000 đồng/người, số tiền gửi xe máy đối với du khách là 5.000 đồng/chiếc.
Phía trong cổng, khắp nơi nhan nhản bảng, biển, băng rôn quảng cáo “Khu du lịch điện mặt trời An Hảo”, trang hoàng hơn nhiều khu du lịch khác trong vùng. Sản phẩm tham quan ngoài một hồ nước gọi là “Hồ Thiên Cảnh” hay “bàn tay Phật”,…thì du khách được xe điện đưa đến khu ẩm thực, mua sắm.
Theo đó, dự tính nơi đây sẽ xây dựng thêm nhà hàng, khách sạn để chào đón du khách.
Một trong những địa điểm tham quan
Mặc dù quảng bá rầm rộ, hoạt động công khai, chất lượng sản phẩm phục vụ du khách đơn điệu, nghèo nàn,… nhưng mức giá vé tham quan thu tiền của du khách lại rất cao, khiến dư luận phàn nàn, bức xúc.
Ông Phạm Thành Nhơn, Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên, cho biết: “Chúng tôi đã có phản ánh về Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đồng thời có văn bản báo cáo về UBND tỉnh”.
Ngày 21/3/2022, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khánh Hiệp - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang khẳng định: “Gần đây phía Tập đoàn Sao Mai mới có gửi hồ sơ đến Sở xin công nhận “Khu điện năng lượng mặt trời An Hảo” thành “Khu du lịch điện mặt trời An Hảo” nhưng đến thời điểm hiện tại, chưa đủ hồ sơ và Tập đoàn Sao Mai đang bổ sung. Hiện chúng tôi đang lấy ý kiến các sở ngành liên quan để thẩm định. Cho nên đến thời điểm này, nơi đây chưa phải là khu du lịch”.
Để doanh nghiệp hoạt động “chui”, trách nhiệm thuộc về ai?
Băng rôn, bảng biển quảng cáo “Khu du lịch điện mặt trời An Hảo” nhan nhản khắp nơi
Điều khó hiểu là dù UBND huyện Tịnh Biên đã cùng Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang tiến hành kiểm tra và thấy rõ việc Tập đoàn Sao Mai lợi dụng nhu cầu tham quan, check – in của du khách, ngang nhiên khai thác dịch vụ du lịch trái phép tại khu dự án điện mặt trời An Hảo suốt nhiều tháng qua nhưng hoàn toàn không có động thái xử lý theo quy định pháp luật, gây bức xúc trong môi trường hoạt động dịch vụ du lịch kéo dài.
Bình luận về vụ việc này, Luật sư Trần Ngọc Phước (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang), cho rằng: “Khu du lịch này rất rộng lớn, quy mô và nhiều người biết. Nó hoạt động trong thời gian dài mà không cơ quan nào quản lý, giám sát để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, thì sự thiếu trách nhiệm rất rõ”.
Về trách nhiệm cụ thể, Luật sư Trần Ngọc Phước khẳng định: “Đầu tiên, về mặt chuyên môn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang phải cử bộ phận thanh tra đến lập biên bản vi phạm hành chính về khai thác du lịch. Nếu hành vi vi phạm có mức xử phạt vượt quá thẩm quyền của Giám đốc Sở, thì nơi đây có văn bản đề xuất với UBND tỉnh An Giang để xử phạt theo quy định, tức thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh”.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh An Giang lại quả quyết: “Vấn đề này thuộc thẩm quyền xử lý của UBND huyện Tịnh Biên”.
VĨNH SƠN – LONG VIỆT