Bệnh viện SIS Cần Thơ cứu sống bệnh nhân Campuchia tắc động mạch thân nền
Bệnh nhân là một phụ nữ Campuchia, 68 tuổi. Bệnh nhân bị đột quỵ ở một vùng não rất nguy hiểm - động mạch thân nền bị tắc, dựa trên nền bị run nhĩ, nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim), hình thành máu đông trôi lên não.
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân đã phải mất 10 giờ đồng hồ di chuyển từ thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) đến Bệnh viện SIS Cần Thơ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liệt tứ chi, qua chẩn đoán nguy cơ can thiệp cứu sống bệnh nhân chỉ 10% do bệnh nhân đến viện muộn, đã qua khoảng "thời gian vàng".
Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành điều trị, triển khai các giải pháp can thiệp. Khoảng 30 phút sau, bệnh nhân đã thông được mạch máu bằng phương pháp nông, kéo huyết khối. Khoảng 12 giờ đồng hồ sau, động mạch thân nền bệnh nhân được tái thông hoàn toàn. Bệnh nhân đã có thể cử động trở lại, có dấu hiệu phục hồi.
TS.BS. Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ thăm khám cho bệnh nhân. |
TS.BS. Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, trong ngành y tế gọi trường hợp này là “Cơn ác mộng cho nhân viên y tế” vì số bệnh nhân tử vong lên đến 90% nếu không cấp cứu kịp thời và đúng cách. Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, khoảng thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân là 6 giờ sau khi xảy ra đột quỵ. Nếu thời gian này càng kéo dài thì nguy cơ tử vong, tàn phế sẽ càng cao.
Hiện các dấu hiệu để nhận biết đột quỵ bao gồm: Mặt méo, yếu liệt tay chân, nói chuyện khó, trước khi đột quỵ, bệnh nhân chóng mặt thường xuyên.
Trong cuộc sống, nhiều người vẫn hay nhầm tưởng việc chóng mặt là do mắc bệnh tiền đình. Nếu nhu sau khi điều trị theo phác đồ của bệnh tiền đình mà vẫn không khỏi thì đó là dấu hiệu của thiếu máu tuần hoàn sau, liên quan đến động mạch thân nền, như trường hợp bệnh nhân trên.
Tắc động mạch não giữa nguy cơ tử vong là 30%, tắc động mạch cảnh trong nguy cơ tử vong là 50%. Riêng tắc động mạch thân nền nguy cơ tử vong có thể lên đến hơn 90%.
Theo các chuyên gia y tế: Đột quỵ do tắc động mạch thân nền là thể đột quỵ nặng nề nhất với nguy cơ tử vong và tàn phế cao nhất trong đột quỵ não. Tắc động mạch thân nền nếu để trễ can thiệp, cứ mỗi phút có đến 2 triệu tế bào thần kinh bị chết không thể phục hồi. Vì vậy, nếu không được phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác và cấp cứu kịp thời; người bệnh dễ dẫn tới hôn mê sâu, liệt nửa người, liệt tứ chi, ngưng tim và rất nhanh chóng dẫn tới tử vong lên đến trên 90%. Nhiều trường hợp dù sống nhưng phải thở máy lâu dài, sống thực vật, tạo gánh nặng tâm lý, kinh tế cho gia đình.