Biện pháp chống dịch Covid-19 của Việt Nam được đánh giá cao
27 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng
Bản tin lúc 6h00 ngày 13/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 13/5, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 27 bảo vệ được thành quả bước đầu trong chống dịch COVID-19 là không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến 6h ngày 13/5, Việt Nam có tổng cộng 148 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tính từ 18h ngày 12/5 đến 6h ngày 13/5, không có ca mắc mới.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 12.634 người, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 322 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 6.819 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 5.493 người.
Đến thời điểm này đã có 252 bệnh nhân COVID-19 tại nước ta được công bố khỏi bệnh và xuất viện, chiếm 88% tổng số ca đang điều trị. Hiện còn 36 bệnh nhân đang điều trị tại 6 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định.
Tính đến sáng ngày 13/5, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại 6 cơ sở y tế, hiện đã có 7 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 9 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2, chỉ còn lại 20 bệnh nhân COVID-19 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Đã có 252 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh và xuất viện
Hiện chỉ còn bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh vẫn đang nguy kịch, đã được chụp CT để đánh giá chức năng phổi, chiều ngày 12/5, hội đồng chuyên môn đã hội chẩn 3 miền Bắc- Trung-Nam tiếp tục để đánh giá tình hình sức khoẻ và khả năng ghép phổi. Tại điểm cầu Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế, trưởng Tiểu ban Điều trị chủ trì buổi hội chẩn.
Hiện tại, bệnh nhân đã sang ngày thứ 56 điều trị, 37 ngày được can thiệp ECMO, thở máy qua mở nội khí quản ngày thứ 18. Bệnh nhân đang tiếp tục phải thở máy, lọc máu, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO.
Bệnh nhận 19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh chuyển trạng thái từ bệnh nhân nguy kịch sang nặng, hồi phục tốt, đã tự thở khí phòng.
Theo các bác sĩ điều trị, đây là một trong số ít bệnh nhân để lại nhiều dấu ấn nhất. Đó là bệnh nhân có thời gian nằm viện lâu nhất- bệnh nhân này đã trải qua hơn 2 tháng điều trị (bệnh nhân phát hiện mắc bệnh từ 7/3/2020). Một trong 3 bệnh nhân nặng nhất, hôn mê dài. Một trong 2 bệnh nhân chạy ECMO (Hệ thống tim phổi ngoài lồng ngực); Tưởng chừng đã tử vong (đã ngừng tim, phải ép tim và cấp cứu liên tục gần 40 phút). Hồi phục ngoạn mục (hiện bệnh nhân đã tập thở, tập vận động).
Quốc tế đánh giá cao nỗ lực phòng chống Covid-19 của Việt Nam
Chiều 12/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đã làm việc với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, một số chuyên gia quốc tế, lãnh đạo Bộ Y tế và đại diện một số bộ, ngành… về tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.
TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam bày tỏ ấn tượng trước các biện pháp nắm bắt thông tin nhanh, chia sẻ minh bạch, kịp thời, áp dụng công nghệ thông tin nhanh nhạy, hiệu quả… của Việt Nam. TS. Kidong Park và nhiều chuyên gia quốc tế cảm ơn và đánh giá cao sự chủ động phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin đầy đủ của Việt Nam về mọi hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
TS. Kidong Park cho biết, nhóm chuyên gia của WHO đã tham gia một cuộc họp kỹ thuật thảo luận về cập nhật hướng dẫn quản lý Covid-19, chiến lược xét nghiệm và trường hợp tử vong của bệnh nhân 251. Từ đó, ông và các chuyên gia tin tưởng kết quả hội chẩn chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam.
Tuy nhiên, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và một số chuyên gia quốc tế đều nhấn mạnh hiện thế giới vẫn chưa có thuốc đặc hiệu, hay vaccine điều trị COVID19… do vậy, dịch bệnh được dự báo sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm. Các chuyên gia quốc tế khuyến nghị cần tăng cường hơn các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh dài hạn như: Mô hình hoá sự lây lan dịch bệnh; đánh giá hệ thống y tế để tìm ra điểm yếu, hạn chế từ đó đầu tư kịp thời, bảo đảm luôn chủ động phòng, chống dịch; ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập bên ngoài; tăng cường giám sát các nhóm nguy cơ… Bên cạnh đó, cần thường xuyên rà soát lại các biện pháp hạn chế, đánh giá, cập nhật thông tin mới… làm cơ sở đưa ra khuyến nghị phù hợp về đi lại, giao thương.
Ngân An