Bình Dương: Thanh tra làm rõ những vấn đề gì về dự án khu dân cư Tân Phú?
Theo đó, từ ngày 20/5/2019 đến ngày 7/6/2019, Đoàn thanh tra của Thanh tra tỉnh Bình Dương đã làm việc với Tổng công ty sản xuất, XNK Bình Dương để làm rõ việc Tổng công này chuyển nhượng khu đất 43 hecta, khu dân cư thương mại và dịch vụ Tân Phú cho Công ty Tân Phú và việc chuyển nhượng 30% cổ phần tại Công ty Tân Phú cho Công ty cổ phần Âu Lạc.
Khu đô thị thương mại và dịch vụ Tân Phú
Trong biên bản làm việc ghi nhận đầy đủ những thông tin, tài liệu liên quan đến quá trình giải phóng mặt bằng và phát triển các dự án của Tổng công ty Sản xuất, XNK Bình Dương, trong đó có dự án khu dân cư thương mại và dịch vụ Tân Phú.
Trong đó, một lần nữa kết quả thanh tra ghi nhận thực tế việc Tổng công ty sản xuất, XNK Bình Dương đã sử dụng số tiền gần 433 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng 563 hecta đất được giao để phát triển các dự án sân gofl, khu đô thị (tương đương 700 triệu/hecta). Nội dung này cũng đã được Tỉnh ủy Bình Dương, Sở Tài chính xác nhận trong nhiều văn bản trước đó.
Kết quả thanh tra cũng ghi nhận, khu đất 43 hecta được quy hoạch để thực hiện dự án khu dân cư thương mại và dịch vụ Tân Phú, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một nằm trong tổng diện tích 563 hecta được giao đất theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng; nguồn vốn được sử dụng để nộp tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng có nguồn gốc ngoài ngân sách.
Thanh tra tỉnh Bình Dương cũng làm rõ nguồn tiền được sử dụng để chi trả tiền bồi thường được Tổng công ty sản xuất, XNK Bình Dương huy động và vay của Công ty TNHH Phát triển và Công ty cổ phần Hưng Vượng và nguồn vốn lưu động của công ty, hoàn toàn không sử dụng tiền có nguồn gốc nhà nước. Sau khi nhận vốn từ các doanh nghiệp nêu trên, Tổng Công ty sản xuất, XNK Bình Dương đã hoàn vốn và lãi vay cho các doanh nghiệp này.
Việc sử dụng nguồn vốn nào để thực hiện dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc sử dụng đất và các hợp đồng chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất cũng như việc hợp tác đầu tư với các đối tác sau này, trong đó có hợp đồng chuyển nhượng 43 hecta đất cho Công ty TNHH Xây dựng Tân Phú vào năm 2017.
Cụ thể là, sau khi Tổng công ty Sản xuất, XNK Bình Dương thực hiện việc nộp tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp, UBND tỉnh Bình Dương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất 43 hecta cho doanh nghiệp này (khu đất 43 hecta được chứng nhận quyền sử dụng đất với hai lô đất là 16 hecta và 29 hecta).
Về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với tổ chức được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, theo văn bản ngày 21/11/2019 của Tổng Cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương thì Tổng công ty Sản xuất, XNK Bình Dương được quyền chuyển nhương khu đất 43 hecta này.
“Căn cứ điểm a, khoản 2, Điều 174 và Khoản 1, Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, do Công ty đã được UBND tỉnh giao đất có thu tiền sử dụng đất, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính; tiền sử dụng đất đã nộp không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, đã được cấp chứng chứng nhận quyền sử dụng đất nên Công ty được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, văn bản ngày 21/11/2019 của Tổng Cục quản lý đất đai nêu rõ.
Việc Tổng Công ty sản xuất, XNK Bình Dương chuyển nhượng khu đất 43hecta (dự án khu dân cư thương mại, dịch vụ Tân Phú) cho Công ty TNHH Xây dựng Tân Phú là kết quả của quá trình hợp tác kéo dài từ năm 2010 đến năm 2018 giữa doanh nghiệp nhà nước này với Công ty cổ phần Âu Lạc và được Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương chấp thuận chủ trương.
Theo đó, để phát triển dự án khu dân cư Tân Phú, Công ty TNHH Xây dựng Tân Phú được thành lập với số vốn 200 tỷ đồng và Tổng Công ty sản xuất, XNK Bình Dương góp 60 tỷ đồng (30% vốn điều lệ). Khi dự án đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Tổng Công ty sản xuất, XNK Bình Dương đã báo cáo xin chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy về việc chuyển giao khu đất 43 hecta này cho Công ty TNHH Xây dựng Tân Phú để thực hiện dự án.
Như vậy, việc chuyển nhượng khu đất 43 hecta để Công ty Tân Phú thực hiện dự án là thực hiện hợp đồng hợp tác ký kết từ năm 2010, được Thường trực Tỉnh ủy đồng ý bằng các văn bản chấp thuận chủ trương và doanh nghiệp đã làm thủ tục đầy đủ theo quy định của pháp luật trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Với việc làm như trên thì có thể thấy từ việc giao đất, nộp tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sau đó là chuyển nhượng khu đất 43hecta đã không chỉ thực hiện đúng pháp luật mà còn đảm bảo điều kiện là được chấp thuận về chủ trương của chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước.
Việc tuân thủ pháp luật như vậy thì tại sao Cơ quan điều tra lại khởi tố vụ án để điều tra những nội dung mà các cơ quan quản lý chuyên ngành đã kết luận để kéo doanh nghiệp vào vòng tố tụng một cách phi lý?
Trong vụ việc này, việc khởi động quá trình tố tụng nhằm vào quá trình chuyển nhượng lô đất 43 hecta không chỉ khiến cho Tổng Công ty sản xuất, XNK Bình Dương gặp khó khăn mà những đối tác đã tham gia dự án từ đầu tư Công ty cổ phần Âu Lạc hay doanh nghiệp phát triển dự án là Công ty Tân Phú đối mặt với nguy cơ phá sản bởi nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào dự án có nguy cơ “kẹt” không biết đến bao giờ.
Tuân thủ pháp luật là trách nhiệm của doanh nghiệp nhưng ngay cả khi đã làm đúng pháp luật mà các doanh nghiệp như Tổng Công ty sản xuất, XNK Bình Dương, Công ty cổ phần Âu Lạc hay Công ty TNHH Xây dựng Tân Phú lại không được pháp luật bảo vệ những quyền lợi tối thiểu, vậy môi trường đầu tư của Bình Dương có thực sự an toàn?
Theo baophapluat.vn