Bộ Y tế dùng muỗi mang Wolbachia như “vắc xin” chống sốt xuất huyết
Wolbachia là gì ?
Wolbachia là một loại vi khuẩn có khả năng ức chế sự phát triển của virus dengue gây sốt xuất huyết và Zika, nhưng muỗi vằn trong tự nhiên lại không mang Wolbachia. Mặc dù có rất nhiều loại côn trùng trong tự nhiên mang Wolbachia, Wolbachia không có khả năng lan truyền từ loài côn trùng này sang các loài côn trùng khác và không lây truyền sang các loài động vật máu nóng, bao gồm cả con người. Wolbachia chỉ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua trứng.
Muỗi Aedes aegypti không mang Wolbachia một cách tự nhiên, do vậy nhóm nghiên cứu đã tách Wolbachia từ côn trùng có sẵn trong tự nhiên (ruồi dấm), và sử dụng một loại kim vô cùng nhỏ để tiêm vi khuẩn Wolbachia vào trong trứng muỗi Aedes aegypti (kỹ thuật này gọi là vi tiêm). Đây là công việc phải lặp đi lặp lại với hàng nghìn trứng muỗi và phải mất rất nhiều thời gian nhóm nghiên cứu mới cấy thành công vi khuẩn Wolbachia vào trứng muỗi.
Kế hoạch thả thí điểm muỗi mang Wolbachia
Bộ Y tế cho biết, dự án sẽ thả muỗi mang Wolbachia tại 8 thôn thuộc Vĩnh Lương (TP Nha Trang, Khánh Hòa). Thời gian thả muỗi dự kiến từ tháng 3/2018 và kéo dài 12-18 tuần.
Phòng côn trùng học, nơi các chuyên gia thực hiện hoạt động phân loại muỗi, nuôi muỗi Wolbachia.
Ông Nguyễn Trần Hiển - Phó Giám đốc dự án chia sẻ, hiện đơn vị đã lập bản đồ phân chia các ô thả muỗi trong khu vực ở xã Vĩnh Lương. Mỗi tuần dự án sẽ thả khoảng 100 con muỗi vào mỗi ô, tương ứng với mức thả trung bình là 1 con muỗi/25 m2/tuần. Ngoài ra, trước khi tiến hành thả muỗi ở xã Vĩnh Lương, dự án sẽ tổ chức tham vấn cộng đồng, lấy ý kiến bằng cách phát phiếu khảo sát.
“Đơn vị sẽ trực tiếp lấy ý kiến người dân, sau đó tiến hành khảo sát về mức độ nhận thức của người dân về phương pháp này. Dự án lấy phiếu đồng thuận ở 370 hộ gia đình chọn ngẫu nhiên. Việc thả muỗi Wolbachia chỉ được tiến hành sau khi có được sự đồng thuận từ 80% dân cư trở lên”, ông Hiển nói.
Được biết, năm 2013, muỗi mang Wolbachia đã được thả thí điểm tại đảo Trí Nguyên. Từ đó tới nay, nơi đây không có dịch sốt xuất huyết, dù năm 2015 và 2016 tại TP Nha Trang có nhiều ổ dịch lớn.
Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới triển khai nghiên cứu thí điểm thả muỗi Wolbachia trên thực địa.
Cần cẩn trọng khi sử dụng muỗi mang Wolbachia
Theo số liệu từ Bộ Y tế, những năm gần đây những ca mắc sốt xuất huyết gia tăng mạnh mẽ, mỗi năm có từ vài chục nghìn đến 100 nghìn ca. tuy nhiên, Vaccine chưa bệnh vẫn còn đang trong giai đoạn thuer nghiệm hoặc thành phẩm nhưng rất ít. Do đó, việc phòng chống và tiêu diệt muỗi vẫn là ưu tiên trước nhất.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều những “băn khoăn” đáng lưu ý trong việc sử dụng muỗi mang Wolbachia để phòng chống SXH. Nhiều nghiên cứu cho thấy, sau 1-2 năm phóng thả ngoài tự nhiên muỗi mang Wolbachia đã tồn tại nhưng không đồng hóa hoàn toàn được quần thể tự nhiên như lí thuyết do sức sống vẫn yếu hơn muỗi tự nhiên.
Với điều kiện đất liền và muỗi tự nhiên không giới hạn như Việt Nam, kích thước quần thể của muỗi nhiễm Wolbachia vì vậy sẽ khó mở rộng mà chỉ giảm dần do kém sức sống.
Khi tỷ lệ muỗi tự nhiên tăng trở lại tới khoảng 20-30% quần thể, bất kể là do di chuyển tới từ xung quanh đẻ ra hay do còn sót chưa nhiễm Wolbachia sinh ra thì SXH đã có thể trở lại.
Minh Trang