Buôn lậu vảy tê tê phải được xử lý như tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia
Báo cáo kết hợp phân tích dữ liệu các vụ bắt giữ được ghi nhận trong khoảng thời gian từ 1/1/2016 đến 31/12/2019 và kết quả điều tra riêng của WJC để vẽ lên bức tranh toàn diện về động lực tội phạm và xu hướng buôn bán vảy tê tê xuyên quốc gia. WJC tập trung vào các cuộc điều tra và tin tức thu thập được về nạn buôn lậu vảy tê tê – vốn được săn lùng để sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc, mặc dù cho đến nay không có bằng chứng khoa học nào về dược tính.
Phân tích của WJC tập trung vào tình trạng buôn lậu để xác định các quốc gia trọng tâm (bao gồm cả vai trò lớn của Nigeria và Việt Nam), các tuyến buôn lậu, phương thức vận chuyển và giá trị bán ra của vảy tê tê. Kết quả cho thấy khối lượng bị buôn lậu gia tăng đáng kể và nhanh chóng do các mạng lưới tội phạm có tổ chức thúc đẩy.
Ước tính khoảng 206,4 tấn vảy tê tê nhập lậu đã bị tịch thu trong giai đoạn 2016-2019 qua 52 vụ bắt giữ. Phân tích dữ liệu thu giữ cho thấy tình trạng buôn lậu gia tăng ở mức độ chưa từng có: gần 2/3 số lượng vảy bị thu giữ (132,1 tấn) đã được phát hiện trong hai năm qua (2018-2019). Chỉ tính riêng năm 2019, trọng lượng trung bình một lô hàng vảy tê tê lên tới 6,2 tấn, so với 2,2 tấn của ba năm trước đó.
“Chúng tôi tin rằng con số này chỉ là một phần nhỏ trong tổng số vảy tê tê bị buôn bán, vì có khả năng một tỷ lệ đáng kể các vụ buôn lậu không bị phát hiện. Cách tiếp cận điều tra của chúng tôi bổ sung thêm một khía cạnh trong việc định lượng quy mô buôn lậu do thông tin chúng tôi thu thập được liên quan đến việc dự trữ vảy tê tê (hơn 16 tấn trong ba năm) chỉ ở Việt Nam - ngoài các vụ bắt giữu được ghi nhận mà chúng tôi đã phân tích,” Giám đốc Thông tin của WJC Sarah Stoner chia sẻ.
Báo cáo của WJC cũng nghiên cứu mối quan hệ giữa buôn bán ngà voi và vảy tê tê cùng ý nghĩa của hoạt động này trong bối cảnh phạm tội. Do giá trị ngà voi giảm, các mạng lưới tội phạm có tổ chức đã chuyển đổi loại hàng hóa buôn lậu và phải vận chuyển các lô hàng lớn để duy trì tỷ suất lợi nhuận. Giá trị mỗi kg vảy tê tê thấp hơn ngà voi.
“Tội phạm có tổ chức trong động vật hoang dã không cố định ở một loài cụ thể nào mà hướng đến hàng hóa có giá trị cao và lợi nhuận. Các mạng lưới sẽ chuyển sang một loài khác nếu loài đó mang lại lợi nhuận tốt. Để giải quyết vấn đề này hiệu quả, chúng ta phải xử lý tội phạm động vật hoang dã có tổ chức từ góc độ tội phạm, cũng như từ khía cạnh xuyên quốc gia của nó, thay vì chỉ tập trung vào nó ở cấp quốc gia”, Stoner nêu rõ.
Trong báo cáo, WJC nhận thấy rằng việc sử dụng thường xuyên phương pháp như phóng thích có kiểm soát (controlled delivery) có thể mang lại kết quả đáng ghi nhận nếu được sử dụng như một công cụ để đưa các ông trùm tổ chức buôn lậu tê tê ra công lý.
“Cuộc điều tra kéo dài một năm ở Trung Quốc về buôn bán vảy tê tê và vụ bắt giữ gần đây của chính quyền Nigeria là những ví dụ tuyệt vời về cách điều tra tội phạm động vật hoang dã xuyên quốc gia này và kết quả rõ ràng có thể đạt được trong việc phá vỡ tội phạm có tổ chức. Không có cách tiếp cận này, tê tê vẫn rất dễ lâm vào cảnh nguy cấp và sự tồn tại của chúng đang bị đe dọa”, Stoner nói thêm.
PV