BV Da liễu TP.HCM: Xây dựng môi trường thân thiện với cộng đồng đồng tính (LGBT)
Các bạn trong cộng đồng LGBT chụp hình với đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế BV Da liễu TP.HCM.
“Chia sẻ kỹ năng giao tiếp ứng xử cho nhân viên y tế với cộng đồng LGBT” do BV Da liễu TP. HCM tổ chức nằm trong chuỗi hoạt động chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng LGBT mà BV này đang thực hiện.
Tại buổi chia sẻ, BS.CK2 Phạm Đăng Trọng Tường – Phó giám đốc BV Da liễu TP.HCM, cho biết: “Đôi khi chỉ vì chưa hiểu nhau nên đôi bên có thể có những câu nói gây tổn thương cho cộng đồng LGBT. Do vậy tôi hy vọng rằng, qua buổi chia sẻ này, nhân viên y tế và cộng đồng LGBT có dịp tương tác để hiểu nhau hơn”.
Trong buổi chia sẻ này, BV Da liễu TP.HCM mời các báo cáo viên là những người trong cộng đồng LGBT. Đó là anh Nguyễn Anh Phong (đại diện phía Nam của Mạng lưới người sống chung với HIV/AIDS VNP+. Chị Nguyễn Huỳnh Tố An (thường gọi Jessica Cà, gương mặt hoạt động nổi tiếng trong cộng đồng chuyển giới nữ, TP.HCM) và anh Nguyễn Mạnh Phúc (nhóm hoạt động cho quyền lợi của người chuyển giới nam FTM, tên thường gọi là DG Creo, TP HCM). Tại đây các anh, chị đã chia sẻ về những trải nghiệm khi khám chữa bệnh tại BV công lập của người chuyển giới và cộng đồng LGBT, cũng như các mong muốn đối với các nhân viên y tế và cơ sở khám chữa bệnh công lập.
“Nhiều bạn trong cộng đồng kể chi phí cho một lần khám và điều trị bệnh về da liễu tại phòng mạch tư có khi lên tới gần cả trăm triệu đồng, trong lúc đó chi phí này nếu thực hiện ở BV công chắc khoảng trên dưới 1 triệu. Tuy nhiên nhiều bạn trong cộng đồng vẫn chọn phòng mạch tư vì các bạn ngại đến các BV công, ngại bị kỳ thị…” - anh Nguyễn Anh Phong, cho biết.
Buổi chia sẻ thu hút hơn 180 y bác sĩ, nhân viên y tế BV Da liễu tham dự
Đáp lời anh Phong, chị Jessica Cà chia sẻ có lần đến BV công để khám, nhân viên y tế đọc tên “Mời anh Nguyễn Hữu Toàn (tên khai sinh của Jessica Cà). Nhầm lẫn tên thì không sao, nhưng khi tôi đứng lên, thấy tôi trong hình hài con gái mà nhân viên y tế vẫn xưng “anh” khiến cho tôi rất ngại.
"Tụi em đi khám bệnh trả tiền như tất cả mọi người. Chỉ mong bệnh viện đối xử với tụi em như với những bệnh nhân. Đừng hỏi tụi em về thói quen hay cách thức quan hệ tình dục của cá nhân tụi em nếu những điều đó không liên quan gì đến chữa bệnh". – DG Creo, nói.
Mong muốn chung của anh Phong, Jessica Cà, DG Creo nói riêng và của cộng đồng LGBT nói chung là khi đến các BV công lập được đối xử công bằng, không bị kỳ thị, nhân viên y tế có những ứng xử phù hợp. Nếu không rõ giới tính thực của bệnh nhân thì thay vì gọi anh/chị, có thể gọi bạn hoặc gọi theo số thứ tự khám bệnh. Đặc biệt, các BV công nên có phòng khám riêng biệt cho LGBT, nhà vệ sinh không phân biệt nam/nữ để tránh bị người khác xì xầm, nhòm ngó khi đến khám chữa bệnh.
Buổi chia sẻ diễn ra trong không khí thân tình, ấm áp, những mong muốn của cộng đồng LGBT đã được Ban Giám đốc, các y bác sĩ, nhân viên của BV Da liễu TP.HCM đón nhận, nhiều giọt nước mắt của nhân viên y tế lặng lẽ rơi, mọi rào cản được xóa bỏ.
Các bạn trong cộng đồng LGBT trao đổi với nhân viên y tế tại buổi chia sẻ kỹ năng giao tiếp ứng xử với cộng đồng LGBT.
Theo khảo sát năm 2017 của Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), hiện Việt Nam có khoảng 2,6 triệu người trong cộng đồng LGBT ở độ tuổi từ 15-59, trong đó, hơn 300.000 người đã thực hiện việc chuyển giới một phần hay toàn phần. Đây là nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương và cần phải được chăm sóc sức khoẻ một cách toàn diện. Do vậy, BV Da Liễu TP.HCM xây dựng kế hoạch hoạt động nhằm hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho cộng đồng LGBT, cũng như nâng cao hiểu biết và kỹ năng tiếp cận cho nhân viên y tế đối với nhóm đối tượng này. Sau khi 100% nhân viên y tế của BV tham gia các buổi chia sẻ kỹ năng giao tiếp ứng xử với cộng đồng LGBT, BV sẽ tổ chức câu lạc bộ chia sẻ các bệnh về da, các bệnh lây qua đường tình dục cũng như nhu cầu thẩm mỹ nội khoa…mà cộng đồng quan tâm. Đồng thời BV cũng sẽ thăm khám miễn phí cho các thành viên tham dự sinh hoạt câu lạc bộ./.
Gia Thanh