“Chúng tôi lập bệnh viện để cứu người chứ không phải vì lợi nhuận”
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ |
Cơ duyên nào đưa ông đến với ngành y mà không phải là một công việc khác, thưa ông?
Tôi sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo thuộc xã An Khánh, huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp). Ngày đó, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nên mỗi khi trong gia đình có người thân đau yếu, bệnh tật thì việc chữa trị rất gian nan, vất vả. Mẹ tôi luôn mong muốn trong gia đình sẽ có một người ăn học thành tài, sau này trở thành bác sĩ cứu người, hay ít nhất là để điều trị bệnh cho gia đình. Chính vì vậy, ngay từ khi còn học phổ thông, tôi đã ấp ủ ước mơ theo học ngành y để trở thành một bác sĩ.
Sau khi học hết cấp 2 (ở trường làng) tôi chuyển lên học cấp 3 (trường huyện), mỗi ngày phải đạp xe hơn 10km đến lớp. Năm nào đến mùa nước nổi không thể đi bộ hay đạp xe mà phải đi học bằng xuồng, rất vất vả. Đặc biệt, từ năm lớp 10, mỗi ngày tôi phải di chuyển ra tận thị xã Sa Đéc (nay là TP Sa Đéc) để ôn thi đại học với quảng đường hơn 40km.
Khó khăn là thế, nhưng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc. Ở đời, không có ai sinh ra tự nhiên đều giỏi, mà chỉ có rèn luyện mỗi ngày mới giúp chúng ta thu về quả ngọt. Và thành quả đã đến khi tôi thi đậu vào 3 Trường Đại học, gồm: Đại học Y dược Cần Thơ, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Lương thực Thực phẩm và một suất học bổng đi du học ở Đức. Với ước mơ cháy bỏng mong muốn được trở thành bác sĩ tôi đã không chút do dự, chọn theo học tại Trường Đại học Y dược Cần Thơ và tôi đã bật khóc khi lần đầu đặt chân đến trường này”.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường và ekip đang can thiệp cấp cứu bệnh nhân đột quỵ |
Sau khi tốt nghiệp Đại học (năm 2000), tôi công tác trong ngành y tại nhiều đơn vị khác nhau. Trong đó, có khoảng thời gian học thêm chuyên khoa I ngoại thần kinh; tham gia khóa học chụp X-quang can thiệp thần kinh tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)…
Được biết, để bệnh viện S.I.S có thể hoạt động và đứng vững như ngày hôm nay đã phải trải qua một quá trình đầy khó khăn và thách thức, xin ông chia sẻ về quá trình này?
Qua những lần được đi học, công tác ở nước ngoài tôi nhận thấy: Đột quỵ luôn là một “điểm nóng”, với số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng, tỉ lệ tử vong rất cao, dẫn đến nhu cầu điều trị rất lớn.
Năm 2004, tôi có ý tưởng huy động nguồn lực để xây dựng một bệnh viện chuyên sâu về điều trị đột quỵ. Tuy nhiên, những khó khăn cùng rào cản, nhất là áp lực tài chính quá lớn (hàng trăm tỉ đồng để xây dựng bệnh viện, mua sắm trang thiết bị, máy móc) đã khiến quá trình hiện thực hóa ước mơ này bị kéo dài. Từ năm 2014, tôi đã lập đề án mở bệnh viện và hàng loạt khó khăn vẫn đặt ra, nhất là về kinh tế. Sau những giờ làm việc căng thẳng tại bệnh viện, tôi còn phải ôm hồ sơ đi tìm, gõ cửa và thuyết phục từng nhà đầu tư. Tôi đã ngồi với rất nhiều đối tác, trình bày từng chiến lược kinh doanh, về khả năng trả nợ ngân hàng khi vay vốn… Rồi cùng các cộng sự lại đi khảo sát khắp các tỉnh miền Tây, tìm hiểu về tình trạng người dân mắc bệnh đột quỵ, khả năng cứu chữa… Cùng với đó, chúng tôi còn phải huy động nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là đội ngũ y bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao phục vụ bệnh viện…
Chủ tịch Hội đột quỵ thế giới trao giải thưởng Kim Cương cho Bệnh viện S.I.S Cần Thơ |
Trải qua bao khó khăn vất vả, ngày 20/2/2019, Bệnh viện đột quỵ tim mạch Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động, với mức đầu tư khủng gần 1.000 tỷ đồng, cùng những trang thiết bị hiện đại lần đầu tiên lắp đặt tại châu Á, quy mô 200 giường, phân bố trên 10 tầng, phục vụ chữa trị, tầm soát nguy cơ và phòng ngừa đột quỵ.
Trong các loại bệnh, thì bệnh đột quỵ, tai biến được xem là những bệnh hiểm nghèo nhất, khó điều trị nhất. Tại sao ông lại chọn đi sâu vào lĩnh vực này?
Theo thống kê, hằng năm trên thế giới có hơn 15 triệu người bị đột quỵ, cứ mỗi 45 giây trôi qua có 1 người bị đột quỵ, mỗi 3 phút trôi qua có 1 người tử vong do đột quỵ, trong 6 người bị đột quỵ trong điều kiện chăm sóc y tế tốt thì có 3 người may mắn chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, 1 người bị tử vong, 2 người bị tàn phế. Trong điều kiện chăm sóc y tế không tốt, tỉ lệ tử vong tàn phế sẽ gia tăng cao hơn. Ở nước ta hàng năm có hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ (riêng ở ĐBSCL là khoảng 10.000 trường hợp/năm), với tỷ lệ tử vong, tàn phế cao, có khuynh hướng gia tăng và trẻ hóa.
Lâu nay, mỗi khi có người bị đột quỵ, người dân ở ĐBSCL thường hay tìm đến những bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh để điều trị. Tuy nhiên, do đường xa, di chuyển mất nhiều thời gian nên 90% bệnh nhân đến trễ “thời gian vàng”, nên tỉ lệ tử vong, tàn phế vẫn luôn rất cao. Lúc còn làm việc tại bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh tôi nhận thấy rằng mình chỉ có thể cứu được 100 người, nhưng nếu về về miền Tây điều trị đột quỵ tôi có thể cứu được 1.000 người, thậm chí là nhiều hơn nữa, vì bệnh nhân không cần phải di chuyển xa, kịp thời cứu chữa trong “thời gian vàng”.
Khánh thành máy CT Photon Counting Naeotom Alpha đầu tiên tại Việt Nam. |
Khi bệnh viện đi vào hoạt động, vẫn còn nhiều khó khăn khác đặt ra. Chúng tôi luôn trăn trở liệu mình có thể duy trì hoạt động bệnh viện cũng như tạo uy tín, thương hiệu để bệnh nhân tin tưởng đến với mình hay không?.
Việc tạo dựng một “thương hiệu và uy tín” không thể trong một sớm một chiều và đòi hỏi tốn nhiều thời gian công sức và sự trải nghiệm. Nhưng trong ngành y, việc “trải nghiệm” đôi khi sẽ phải trả giá quá đắt và thậm chí mình không còn một cơ hội thứ 2.
Bệnh viện chọn hướng khác biệt bằng cách đầu tư thiết bị, máy móc tân tiến nhất. Những máy chụp cộng hưởng từ MRI ba Tesla, máy chụp mạch máu xóa nền DSA, phòng mổ hybrid hiện đại đã trở thành công cụ tiếp thị, truyền thông làm lợi thế cạnh tranh thu hút khách hàng cho S.I.S Cần Thơ…
Mặc dù là bệnh viện tư, chịu không ít áp lực tài chính, nhưng chúng tôi đã chọn bỏ qua hình thức, xóa bỏ khoảng cách giữa bác sĩ và bệnh nhân, xác định cứu người là việc quan trọng nhất. Khi đến S.I.S Cần Thơ, bệnh nhân đột quỵ không có tiền cũng được cứu chữa. Bởi mục đích cuối cùng khi chúng tôi lập bệnh viện là cứu người chứ không phải lợi nhuận.
Ngoài hoạt động chuyên môn khám và điều trị; được biết thời gian qua, bệnh viện cũng đã tham gia rất nhiều vào công tác từ thiện, giúp đỡ bệnh nhân nghèo, xin ông chia sẻ về công tác này?
Như đã nói, tuy còn khó khăn nhưng tôi cùng đội ngũ y - bác sĩ bệnh viện luôn tâm niệm cứu người là trên hết. Bệnh tật là điều không ai mong muốn và mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, trong đó có nhiều trường hợp nghèo khó.
Hội đột quỵ thế giới trao chứng nhận Kim Cương cho Bệnh viện S.I.S Cần Thơ |
Cơn đột quỵ xảy ra là cú sốc lớn không chỉ với bệnh nhân mà ảnh hưởng đến cả gia đình về nhiều phương diện: sức khỏe, tinh thần, kinh tế… Người bệnh nằm xuống, người thân phải nghỉ việc thăm nuôi. Thu nhập của cả nhà giảm sút trong khi chi phí điều trị đột quỵ lên đến hàng trăm triệu đồng. Thấu hiểu những khó khăn này, Ban Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ trăn trở tìm giải pháp giúp bệnh nhân nghèo vẫn có cơ hội điều trị.
Với mục đích nhân đạo giảm bớt gánh nặng tài chính cho bệnh nhân nghèo khi bị đột quỵ, đồng hành cùng ý nghĩa cao đẹp cứu người không kể giàu nghèo của ngành y, chúng tôi đã được sự ủng hộ và cấp phép của Bộ Nội vụ, chính thức thành lập “Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” theo Quyết định số 487/QĐ-BNV ngày 6/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Đây là quỹ từ thiện, nhân đạo giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách có công cách mạng không may bị đột quỵ, hay mắc các bệnh lý về tim mạch, bệnh tim bẩm sinh, không có khả năng chi trả viện phí tại 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chúng tôi tin rằng khi có được sự ủng hộ, đồng hành và cùng chung tay góp sức cộng đồng, xã hội sẽ không những giúp quỹ từ thiện hoạt động và phát triển, mà còn mang đến cơ hội cứu chữa nhiều bệnh nhân nghèo chẳng may bị đột quỵ hơn; nhất là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách… không may bị đột quỵ, hay mắc các bệnh lý về tim mạch, bệnh tim bẩm sinh, không có khả năng chi trả viện phí…
BOX:
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam đưa vào vận hành máy CT Photon counting Naeotom Alpha và là 1 trong 80 máy CT Photon counting Naeotom Alpha trên toàn cầu đang sử dụng. Đây là thế hệ máy CT hiện đại nhất thế giới hiện nay, có thể phát hiện sớm, nhanh nhất và chính xác nhất bệnh lý động mạch vành (tim) - một trong những nguyên nhân chính gây đột tử - đột quỵ do nguyên nhân tim mạch.
Đến nay, bệnh viện áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, trang thiết bị hiện đại như: máy siêu âm cao cấp chẩn đoán tim bẩm sinh; máy chụp CT đa lát cắt; máy chụp mạch máu xóa nền DSA thế hệ mới (ICONO 2 bình diện) chuyên sâu lần đầu tiên đươc trang bị tại châu Á, phục vụ cho can thiệp đột quỵ, tim mạch, gan lách, động mạch chủ, chậu, tay chân…; hệ thống phòng mổ Hybrid hiện đại chuẩn quốc tế, được trang bị kính hiển vi, C-Arm DSA di động; hệ thống Monitor trung tâm theo dõi bệnh nhân 24/24…
Đồng thời, công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị kịp thời cho bệnh nhân được bệnh viện hết sức chú trọng. Đầu tư và thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, hệ thống xử lý chất thải y tế. Song song với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh thì tác phong ứng xử, y đức của đội ngũ y bác sĩ được nêu lên hàng đầu, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân.