Coi chừng tai nạn khi dọn nhà đón tết
(Suckhoemoitruong.com.vn) - Những ngày cuối năm, ai cũng lo dọn dẹp nhà cửa. Công việc đến hẹn lại lên tưởng chừng đơn giản này nhưng nếu không cẩn thận, làm không đúng cách rất dễ xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Những động tác bưng bê vật nặng với tư thế khom người đột ngột dễ làm chấn thương hệ thống gân cơ và dây chằng, gây đau lưng - Ảnh: T.T.D. |
Thực tế cho thấy gần tết thì không ít người phải đến bệnh viện khám bệnh vì bị đau do cụp xương sống khi khiêng chậu cây cảnh, vật dụng trong nhà không đúng cách.
Phần lớn bệnh nhân đều có câu chuyện gần giống nhau. Người thì khom lưng khiêng chậu bonsai, người khiêng các vật dụng trong nhà cất đi để trang hoàng phòng khách. Phần lớn bệnh nhân đều kể cho chúng tôi rằng họ nghe tiếng cụp sau lưng, sau đó là lưng đau dữ dội. Rồi cột sống bị co cứng tới mức khiến bệnh nhân không cử động được, nằm đau, ngồi đau mà đi cũng đau.
Gãy đầu dưới xương quay Gần tết, người có tuổi trong gia đình thường hay lo lau chùi, dọn dẹp bàn thờ. Dĩ nhiên việc leo trèo luôn tiềm ẩn rủi ro. Người có tuổi xương hay loãng nên việc té chống tay dễ gây ra gãy xương, nhất là gãy đầu dưới xương quay. Biểu hiện gãy xương đầu dưới xương quay bao gồm đau, mất quay cổ tay, gập duỗi đau. Nếu có những triệu chứng này bà con nên đi khám và chụp phim X-quang để bác sĩ có phương pháp điều trị, tránh bị di lệch cổ tay. |
Những người bị nhẹ hơn thì có cơn đau nhẹ hơn và giảm đau khi nằm, đau nhiều hơn khi đứng và nhất là ngồi. Đa số bệnh nhân đều cho rằng mình bị trật cột sống hoặc gãy xương vì “với tiếng cụp và với cơn đau như thế thì chỉ có gãy xương sống”.
Tuy nhiên, trên thực tế khi chụp phim X-quang bác sĩ không phát hiện bệnh nhân bị gãy xương, cột sống gần như bình thường. Trái lại, sờ vào hai khối cơ hai bên lưng bệnh nhân khi nằm thấy co cứng, ấn vào gây đau.
Vậy tại sao lại bị đau lưng do khom lưng khiêng nặng hay khom lưng làm việc nhà? Chúng ta biết rằng cột sống bao gồm nhiều đốt sống kết nối lại với nhau bằng hệ thống dây chằng nằm bao bọc xung quanh, giữa các thân đốt sống là đĩa đệm có nhiệm vụ giảm sốc khi chúng ta đi đứng, chạy nhảy.
Hệ thống cơ bám vào các đốt sống giúp cột sống có thể vận động được như cúi, ngửa, xoay. Khi chúng ta cúi người về phía trước, toàn bộ hệ thống dây chằng và gân cơ phía sau phải làm việc cật lực để giúp chúng ta không bị đổ sụp về phía trước.
Các cơ và dây chằng cần phải tạo một lực co rất lớn để có thể kéo cột sống thẳng trở lại khi khom người. Từ đó, chúng ta thấy nếu khom người khiêng vật nặng, khom người làm việc như rửa chén, ủi đồ, quét nhà... sẽ làm tăng áp lực lên gân cơ, dây chằng.
Những động tác bưng bê vật nặng với tư thế khom người đột ngột sẽ làm chấn thương hệ thống gân cơ và dây chằng. Đôi khi chúng ta có thể nghe tiếng cụp và sau đó là cơn đau nhói. Cơ bị co rút sẽ làm cho cột sống thẳng đơ, không cử động được gây triệu chứng đau trong mọi tư thế dù nằm hay ngồi.
Việc điều trị trong trường hợp này bao gồm nghỉ ngơi, uống thuốc giảm đau, giãn cơ. Tuy nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bà con hãy nhìn các lực sĩ cử tạ nâng tạ: họ không bao giờ khom người mà luôn giữ cột sống thẳng. Chúng ta hãy học cách nâng vật nặng kiểu này.
Khi muốn khiêng vật nặng hãy làm sao giữ cột sống thẳng rồi khuỵu người xuống và dùng hai tay nâng vật nặng từ từ đưa lên. Nếu cảm giác vật quá nặng so với sức của mình thì nên nhờ người khác phụ giúp, đừng cố gắng làm một mình. Nếu phải làm một mình thì nên dùng lực đòn bẩy để giảm bớt lực của mình.
Bong gân cổ chân
Việc lau chùi, dọn dẹp nhà cửa đón tết không thể thiếu công đoạn leo trèo. Khi chúng ta leo trèo trên tấm đế như ghế, bục không vững hoặc do tư thế không vững sẽ làm lật cổ chân, bong gân cổ chân. Đây là lý do mà không ít người phải tìm đến bác sĩ trong những ngày tết sắp đến.
Bong gân cổ chân có thể từ nhẹ chỉ có vài sợi dây chằng bị đứt đến đứt hoàn toàn dây chằng khiến cổ chân sưng tím lên. Hiện tượng này sẽ nặng hơn nếu bệnh nhân được người nhà “chăm sóc kỹ” bằng cách hơ muối hột nóng, đắp trứng gà, thoa mật gấu... vì nhiệt và động tác mátxa làm máu chảy nhiều hơn khiến cổ chân sẽ sưng, đau, bầm tím và hậu quả bệnh nhân phải ngồi một chỗ ba ngày tết.
Việc điều trị ban đầu rất quan trọng, cần nhớ nếu bị bong gân thì chườm lạnh là ưu tiên số 1. Có thể dùng nước đá lạnh bỏ trong túi nilông rồi lấy khăn phủ lên cổ chân và dùng túi nước đá chườm.
Sau đó bệnh nhân nằm nghỉ, băng thun ép cổ chân, kê cao chân khoảng 10cm khi nằm. Trường hợp bệnh nhân không thể chống chân đi được thì nên đến bệnh viện để bác sĩ xem xét.
Theo BS Tăng Hà Nam Anh - Tuổi trẻ