Công tác quản lý tài nguyên đất đai: Góc nhìn từ môi trường doanh nghiệp tại Thái Nguyên
Trạm trộn của Công ty CP bê tông Bút Sơn HP (Công ty Bút Sơn HP) vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức cơ quan chức năng
Vừa qua, Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường triển khai Chuyên đề “Công tác quản lý tài nguyên đất đai: Góc nhìn từ môi trường doanh nghiệp tại Thái Nguyên” qua đó nhận được phản ánh trái chiều của người dân về việc Công ty Cổ phần bê tông Bút Sơn HP (Công ty Bút Sơn HP) có nhiều dấu hiệu vi phạm trong thuê đất, hoạt động trạm trộn bê tông trái phép gây ô nhiễm môi trường… đáng chú ý, sự việc đã diễn ra trong nhiều năm qua ở mỏ đá Núi Voi, thị trấn Chùa Hang, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Nhiều cơ quan chức năng, bộ ngành của địa phương đã có kết luận, chỉ đạo về những sai phạm của các doanh nghiệp tại Mỏ đá Núi Voi, nhưng cuối cùng, mọi thứ trong tình trạng chây ì, Công ty Bút Sơn HP vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức cơ quan chức năng và dư luận.
Theo tìm hiểu, từ 01/01/2015 đến 01/02/2016 mỏ đá Núi Voi được Công ty CP cơ điện luyện kim Thái Nguyên (thị trấn Chùa Hang) “tận dụng” diện tích đất được Nhà nước giao quản lí để cho thuê lại với mục đích “kiếm lời”. Công ty này đã cho 4 doanh nghiệp thuê, với tổng diện tích gần 16.000m2. Thay vì trả lại đất cho Nhà nước thì đơn vị này lại “lách luật” từ việc cho thuê đất thành góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất, với thời hạn cho thuê từ 3 năm đến 5 năm.
Sau khi việc Công ty CP cơ điện luyện kim Thái Nguyên cho thuê đất “vỡ lở”, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên vào cuộc kiểm tra. Ngày 17/11/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên ban hành Kết luận thanh tra số 70/KL - STNMT về quản lý và sử dụng đất của Chi nhánh Công ty CP cơ điện luyện kim Thái Nguyên - Mỏ đá Núi Voi.
Trạm trộn của Công ty CP bê tông Bút Sơn HP hoạt động rầm rộ, xe bồn chở bên tông tấp nập ra vào
Trong đó nêu rõ: “Hợp đồng góp vốn liên doanh hợp tác sản xuất kinh doanh của Công ty CP cơ điện luyện kim Thái Nguyên bản chất là việc cho thuê tài sản gắn liền với quyền sử dụng gần 16.000m2 đất thuê, việc cho thuê là không đúng quy định tại Khoản 1, Điều 175 Luật Đất đai năm 2013. Hành vi này của Công ty bị xử lí vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 102/2014 NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai...” và yêu cầu “Công ty CP cơ điện luyện kim Thái Nguyên chủ động thanh lí hợp đồng kinh tế…”.
Trước đó, ngày 29/7/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã gửi văn bản số 2650/UBND-CNN đến Sở Tài nguyên và Môi trường và hoàng loạt Sở, ban ngành yêu cầu Công ty CP Cơ điện luyện kim Thái Nguyên chấm dứt những hợp đồng hợp tác liên doanh được cho là bất hợp pháp này. Nhưng đơn vị này mới thanh lý hợp đồng với Công ty Gạch không nung Quang Minh và Công ty TNHH H&P, còn 2 công ty Công ty XD công trình Bắc Nam và Công ty XD 247 vẫn chưa thanh lý.
Theo Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thái Nguyên, trong quá trình kiểm tra việc thực hiện kết luận của chi nhánh Công ty CP cơ điện luyện kim Thái Nguyên - Mỏ đá Núi Voi còn phát sinh thêm Công ty CP bê tông Bút Sơn HP (tách từ công ty TNHH H&P), đầu năm 2017, doanh nghiệp này tiếp quản bất hợp pháp diện tích 5.649 m2 trên thửa đất 01, tờ bản đồ số 01 (thị trấn Chùa Hang, Đồng Hỷ) và toàn bộ thiết bị trạm trộn bê tông của công ty cũ mặc dù không được sự đồng ý của Công ty CP cơ điện luyện kim Thái Nguyên - Mỏ đá Núi Voi. Do vậy Công ty CP cơ điện luyện kim Thái Nguyên đã 5 lần có văn bản yêu cầu Công ty Bút Sơn HP dừng hoạt động.
Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thái Nguyên cho rằng: Đây là hành vi chiếm đất được quy định tại Khoản 1, Điều 12 Luật Đất đai năm 2013. Vì vậy, ngày 17/7/2017, Chánh Thanh tra Theo Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 46/QĐ-XPVPHC, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với hành vi chiếm đất của Công ty Bút Sơn HP, với số tiền 8 triệu đồng và buộc phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm, trả lại diện tích 5.649m2 tại thửa số 1, tờ bản đồ số 1 cho Chi nhánh Công ty CP cơ điện luyện kim Thái Nguyên - Mỏ đá Núi Voi. Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 30 ngày, kể từ ngày nhận quyết định.
Được biết, ngày 27/7/2017, Công ty Bút Sơn HP đã nộp số tiền bị phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đến nay Công ty Bút Sơn HP vẫn chưa có biện pháp dừng các hoạt động để trả lại diện tích đất chiếm dụng.
Mặc dù đã bị nhiều cơ quan chức năng năng ra “tối hậu thư” yêu cầu dừng hoạt động, buộc phải tháo dỡ thiết bị trạm trộn… nhưng cách đó không xa một khu nhà xưởng mọc lên thách thức dư luận
Cùng ngày, ngày 27/7/2017, 7 cơ quan ban ngành gồm: Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Đồng Hỷ, UBND thị trấn Chùa Hang đã họp thống nhất để báo cáo UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét xử lý hành vi vi phạm của Chi nhánh Công ty CP Cơ điện luyện kim Thái Nguyên – Mỏ đá Núi Voi và Công ty Bê tông Bút Sơn HP.
Nội dung “tối hậu thư” của 7 cơ quan này tiếp tục yêu cầu Chi nhánh Công ty CP Cơ điện luyện kim Thái nguyên thanh lý 2 hợp đồng hợp tác liên doanh với Công ty XD Bắc Nam, Công ty XD 247. Đối với Công ty bê tông Bút Sơn HP cũng buộc phải tháo dỡ thiết bị trạm trộn bê tông và trả lại diện tích 5.649 m2 như đã nêu trên.
Thời hạn cơ quan chức năng yêu cầu các đơn vị liên quan xử lý sai phạm tại Mỏ đá Núi Voi là sau ngày 18/8/2017. Nhưng thời điểm hiện tại (năm 2022), đã gần 5 năm trôi qua kể từ ngày xử phạt Công ty bê tông Bút Sơn HP vẫn tiếp tục chống đối, tiếp tục hoạt động sản xuất trái phép trên diện tích vi phạm.
Có mặt tại khu vực trạm trộn bê tông của Công ty Bút Sơn HP vào những ngày cuối tháng 3/2022, phóng viên ghi nhận thấy nơi đây vẫn hoạt động rầm rộ, trạm trộn bê tông vẫn sừng sừng ở đó, xe bồn chở bên tông tấp nập ra vào. Bên ngoài trạm trộn những đống đá, cát làm nguyên liệu trộn bê tông được đổ cao như núi. Không có dấu hiệu gì của việc trả lại mặt bằng hay di dời trạm trộn.
Mặc dù đã bị nhiều cơ quan chức năng năng ra “tối hậu thư” yêu cầu dừng hoạt động, buộc phải tháo dỡ thiết bị trạm trộn bê tông và trả lại diện tích 5.649 m2 cho nhà nước nhưng Công ty bê tông Bút Sơn HP vẫn cố tình chây ì, coi thường pháp luật, thách thức dư luận. Vẫn ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm môi trường cũng như cuộc sống của các khu dân cư gần đó. Điều này khiến dư luận vô cùng bất bình và đặt ra câu hỏi, liệu sự việc này kéo dài có phải do năng lực cán bộ của tỉnh Thái Nguyên yếu kém hay do khuất tất nào khác?
Sức khỏe & Môi trường điện tử sẽ tiếp tục thông tin!
QUỐC TRƯỜNG