Công ty Thủy Lợi Phúc Yên (Vĩnh Phúc) có đang cho thuê diện tích mặt nước trái quy định, không qua đấu giá?
Qua quan sát và ghi lại hình ảnh xung quanh hồ cho thấy một phần lớn diện tích đất trong lòng hồ đã bị máy múc san gạt hàng ngàn m2, diện tích hồ bị lấn chiếm, thu hẹp. Đồng thời, các hạng mục công trình xây dựng kè bê tông cao nhiều mét và có chiều dài hàng trăm mét làm thay đổi hoàn toàn tính chất vị trí địa lý, sinh thái tự nhiên của khu vực này.
Liệu rằng các công trình này đã được cấp hồ sơ đánh giá tác động môi trường, đã được cấp giấy phép xây dựng hay chưa? Hay là doanh nghiệp này đang bất chấp các quy định của pháp luật vì mục đích lợi nhuận?
Ông Nguyễn Đức Chính – Giám đốc công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên làm việc với Phóng viên.
Theo tìm hiểu của phóng viên, diện tích đất bị Công ty Gia Phúc san gạt tại hồ Trại Trâu là đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm, đất ruộng, đất khai hoang… Hiện nay, trên phần diện tích này các hộ dân được giao đất cho biết họ đã bán cho một chủ doanh nghiệp để làm khu du lịch sinh thái…
Trả lời về những vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chính – Giám đốc công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên cho biết: “Luật xây dựng cơ bản nêu rõ trên một tỷ chúng tôi mới phải đấu thầu qua mạng, còn đây cho thuê mỗi năm có 7-8 triệu nên chúng tôi chỉ thầu. Chỉ cần đơn vị có đơn yêu cầu thuê là chúng tôi đồng ý. Còn họ không lấn chiếm, hay thu nhỏ diện tích lòng hồ, tôi đã làm việc với phòng TNMT thành phố và UBND xã Ngọc Thanh về vấn đề này rồi. Các anh muốn tìm hiểu vấn đề gì tôi sẽ trả lời bằng văn bản.”
Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành tại Điều 139 Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ phần đất có mặt nước nội địa như ao, hồ, đầm thuộc địa phận nhiều xã, phường, thị trấn thì việc sử dụng do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. Đối với hồ, đầm thuộc địa phận nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì việc sử dụng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Đối với hồ, đầm thuộc địa phận nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì việc sử dụng do Chính phủ quy định.
Đối với trường hợp gia đình, tập thể muốn thuê diện tích mặt hồ để nuôi trồng thủy sản thực hiện thông qua đấu giá quyền sử dụng đất phải đảm bảo thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Pháp luật về đất đai và luật đấu giá tài sản được quy định tại Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT của Bộ TNMT và Bộ Tư pháp.
Có hay không Doanh nghiệp được “”thuê” mặt nước đã tự ý thay đổi hiện trạng.
Hay như: tại điểm h, điều 22, chương III, nghị định số 114/2018/NĐ-CP nêu rất rõ về việc cấp giấy phép cho dự án Nuôi trồng thủy sản trong phạm vi hồ đập, hồ chứa nước chỉ có cấp có thẩm quyền là UBND tỉnh mới được phép cấp phép. Vậy công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên có bất chấp quy định của Luật, vượt quá thẩm quyền UBND thành phố Phúc Yên hay không?
Phóng viên đã trao đổi trực tiếp với ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Phúc, ông Hải khẳng định: Sở chỉ quản lý mặt chuyên môn chứ không quản lý trực tiếp Công ty TNHH Thủy Lợi Phúc Yên. Ông Hải cho biết, theo Luật Thủy lợi mới thì đã là hồ thủy lợi thì không được phép cho thuê sản xuất nuôi trồng thủy sản, bởi nó ảnh hưởng tới an toàn hồ đập và điều tiết nước, ảnh hưởng đến sản xuất của địa phương. Và các trường hợp cho thuê trước năm 2017 thì phải tiến hành thanh lý hợp đồng”.
Tại công trường, máy múc hạng nặng san gạt vành đai hồ
Từ những dấu hiệu vi phạm nêu trên, dự luận thành phố Phúc Yên nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung mong muốn các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, TP. Phúc Yên khẩn trương vào cuộc kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đồng thời xử lý theo quy định của pháp luật các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm.
Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
NGUYỄN KHÁNH