Cứ 40 giây lại có một người chết vì tự tử
Trong báo cáo toàn cầu đầu tiên về phòng chống tự tử, WHO cho rằng đây là vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, tuy nhiên có thể giảm nhẹ được nếu có thêm nhiều nước triển khai các kế hoạch quốc gia phòng chống tự tử.
"Chúng tôi tin rằng tất cả các nước, dù có tỷ lệ tự tử cao hay thấp, đều nên nghĩ về vấn nạn này và có kế hoạch cho nó một cách tỉ mỉ, không chỉ bao gồm ngành y tế”.
Saxena cho rằng có một quan niệm sai lầm phố biến coi tự tử là vấn đề chủ yếu gặp ở những nước giàu. Báo cáo của WHO cho thấy điều này không đúng; trên thực tế, 75% số vụ tự tử xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Phụ nữ cao tuổi ở các nước thu nhập thấp có nguy cơ tự tử cao hơn ở các nước thu nhập cao. Trong khi ở các nước giàu, số nam giới chết vì tự tử nhiều gấp 3 số phụ nữ.
Tính chung, tỷ lệ tự tử là cao nhất ở những người ngoài 70 tuổi. Nhưng ở một số nước, tỷ lệ tự tử cao nhất lại thấy ở nhóm người trẻ. Trên toàn thế giới, tự tử hiện là nguyên nhân tử vong đứng thứ hai ở nhóm tuổi 15 - 29.
Ngay cả ở những nước nghèo, thì tầng lớp nghèo nhất của xã hội thường có nguy cơ tự tử cao nhất.
“Vì thế tự tử thực sự là một hiện tượng toàn cầu và cần giải pháp toàn cầu”, TS Saxena nói.
Theo Brian Mishara, giáo sư tâm lý của Trường Đại học Québec, Canada, báo cáo đã thể hiện sự thừa nhận rằng gánh nặng bệnh tâm thần và tự tử lớn hơn nhiều so với mọi ước tính trước đây.
“Tại nhiều nơi trên thế giới, tự tử là một chủ đề tối kị. Trong khi ở 25 nước, người mưu toan tự tử có thể bị bắt giam. Vì thế điều này cần được chú ý nhiều hơn vì nó là nguyên nhân rất phổ biến gây chết sớm”.
Báo cáo của WHO cho biết một chiến lược có thể giảm tự tử là ban hành những chính sách hạn chế sự tiếp cận của người dân với những cách thức tự tử phổ biến nhất.
Báo cáo lưu ý rằng tự tử thường là một quyết định bốc đồng, và bằng chứng cho thấy nhiều người từng định tự tử nhưng sau đó được giúp đỡ đã sống rất lâu.Do đó, hạn chế việc tiếp cận với những phương pháp tự tử phổ biến nhất có thể giúp giảm tỷ lệ tự tử.
Ví dụ, uống thuốc trừ sâu là một cách tự tử phổ biến ở nông thôn, vì thế những chính sách kiểm soát việc tiếp cận với những hóa chất này là một biện pháp nhằm vào vấn đề. Kiểm soát vũ khí cháy nổ là một cách khác, cũng như việc lập những rào chắn ngăn tự tử trên cầu và đường sắt.
“Nhưng một khởi đầu quan trọng khác phải là làm sao để hệ thống y tế và xã hội đáp ứng tích cực hơn với những người có nguy cơ tự tử cao”, Saxena nói.
Báo cáo lưu ý rằng các rối loạn tâm thần và lạm dụng rượu góp phần trong nhiều trường hợp tự tử trên thế giới, vì vậy phát hiện sớm và điều trị những vấn đề này cũng giúp giảm tỷ lệ tự tử.
WHO khuyến nghị các nước cần huy động nhiều bộ ngành trong việc triển khai chiến lược quốc gia phòng chống tự tử, với sự cam kết không chỉ từ ngành y tế, mà còn từ giáo dục, việc làm, phúc lợi xã hội và cơ quan pháp luật.
“Báo cáo này là lời kêu gọi hành động nhằm vào một vấn đề lớn của sức khỏe cộng đồng đã bị che giấu trong sự cấm kị quá lâu” Tổng giám đốc WHO, TS. Margaret Chan tuyên bố.
Cẩm Tú
Theo CTVNews