Cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, ngưng tim
BS Chỉnh đang thăm khám cho ông S. |
Trường hợp may mắn trên là ông V.B.S (SN 1965, ngụ TP Cần Thơ). Trưa 6/7 ông S nhập viện S.I.S trong tình trạng hôn mê đã được đặt nội khí quản. Theo người nhà, sáng cùng ngày ông S than đau ngực nhưng vẫn đi giao hàng ở An Giang. Trên đường về đến quận Ô Môn thì ông S đột ngột bị ngất, ngưng tim nên được đưa vào Trung tâm Y tế quận Ô môn cấp cứu có tim trở lại, được đặt nội khí quản. Sau đó, gia đình xin chuyển đến BVĐKQT S.I.S Cần Thơ để tiếp tục điều trị. Ông S nhập viện trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, suy hô hấp, đã đặt nội khí quản và được bóp bóng. Kết quả điện tim cho thấy ông S bị nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên. Bệnh nhân lập tức được chuyển đến phòng can thiệp DSA để can thiệp cấp cứu. Sau 15 phút can thiệp, các BS đã tái thông hoàn toàn vị trí mạch máu nuôi tim đang bị tắc.
BSCKI Nguyễn Đức Chỉnh, Trưởng khối Nội Tim mạch – Tim mạch Can thiệp BVĐKQT S.I.S Cần Thơ cho biết, đây là trường hợp cấp cứu thuận lợi và may mắn chỉ trong vòng 15 phút ekip của chúng tôi đã có thể tái thông được mạch vành đang tắc, giúp bệnh nhân thoát cơn nguy kịch. Đối với những trường hợp tắc động mạch vành nếu không được điều trị khẩn cấp ở những trung tâm có đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ thì bệnh nhân có thể tử vong nhanh và tỉ lệ tử vong rất cao, từ 60 -70%”, BS Chỉnh chia sẻ.
Hình ảnh mạch máu tim trước và sau can thiệp tái thông |
Trải qua cơn thập tử nhất sinh, sức khỏe ông S giờ đây đã dần hồi phục sau 6 ngày được các BS tích cực theo dõi, chăm sóc và điều trị. Lý giải về lý do tại sao cũng là nhồi máu cơ tim, nhưng có người đau âm ỉ nhiều ngày, có người chỉ cần có một cơn đau tim cũng có thể nhanh chóng tử vong, BS Chỉnh cho biết, đối với nhồi máu cơ tim nếu mạch máu không tắc nghẽn hoàn toàn dấu hiệu sớm của nhồi máu cơ tim chính là đau ngực; còn ở những trường hợp có hẹp nặng nhiều nhánh mạch vành, biểu hiện sẽ là đau ngực kèm khó thở khi gắng sức. Người bệnh không nên bỏ qua những dấu hiệu sớm này mà cần chủ động thăm khám, theo dõi tại các bệnh viện chuyên khoa sâu, để tránh những diễn tiến xấu có thể xảy ra, nhất là ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh tăng huyết áp và hút thuốc lá lâu năm, BS Chỉnh khuyến cáo. “Việc đặt stent nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn cấp tính, về lâu dài, nếu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim diện rộng cần được theo dõi, dùng thuốc điều trị để chóng tắc stent, kiểm soát các bệnh lý nền và các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, uống rượu bia… Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần theo dõi các biến chứng là suy tim và đột tử sau nhồi máu cơ tim”, BS Chỉnh cho biết thêm.
Có thể thấy, chính nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, làm chủ kỹ thuật và chuyên môn của các BS đã góp phần giúp bệnh nhân được cấp cứu, điều trị kịp thời, qua giai đoạn nguy kịch và hồi phục sức khỏe.