Đảm bảo quyền lợi cho người lao động nặng nhọc trong môi trường độc hại, nguy hiểm
Chủ trì hội thảo là PGS.TS. Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT VN; GS.TS. Lê Văn Trình, Chủ tịch Hội KHKT An toàn và Vệ sinh lao động VN, ThS Lê Thanh Tùng – Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội KHKT VN. Các đại biểu tham dự đến từ hai cơ quan tổ chức hội thảo và Viện khoa học Lao động và Xã Hội, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, Trường ĐH Công đoàn, Trung tâm Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, Trung tâm Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường, Phân viện An toàn vệ sinh lao động Đà Nẵng.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động nhằm thay thế thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH. Cụ thể, việc phân loại lao động theo điều kiện lao động trong Dự thảo mới lần này dự kiến sẽ được quy định về Loại điều kiện lao động và Nguyên tắc phân loại lao động theo điều kiện lao động.
Thực tế hiện nay, quan niệm về nghề nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm của các nước trên thế giới không hoàn toàn giống nhau. Cách tiếp cận và công cụ để xác định các loại điều kiện lao động trong từng lĩnh vực cũng rất khác nhau. Vì thế, cần phải có một nguyên tắc chung, quy định chung về Loại điều kiện lao động và phân loại lao động theo điều kiện lao động, đảm bảo quyền lợi của người lao động trong môi trường làm việc cụ thể của mình.
Tại Hội thảo này, các tham luận cũng đã tham chiếu kinh nghiệm của thế giới; đề cập đến những tác động của điều kiện lao động trong môi trường hầm lò, môi trường có bụi silic hay dung môi hữu cơ, trong ngành may, với giáo viên mầm non, trong không gian kín,..để tìm ra một cách tiếp cận thực tiễn hơn trong phân loại các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đặc biệt, với những căng thẳng (stress) nghề nghiệp là những yếu tố rất cần xem xét khi phân loại điều kiện lao động, bởi việc đo mức độ ảnh hưởng của yếu tố này đối với người lao động là không hề đơn giản.
Chúng ta đều biết, an toàn vệ sinh lao động đóng một vai trò quan trọng cho sự phát triển một cách bền vững cho nền kinh tế, xã hội và môi trường. Điều kiện lao động không tốt đã là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều tai nạn lao động, tổn hại sức khỏe của người lao động, làm giảm sút khả năng lao động của họ, ảnh hưởng đến sức khỏe giống nòi và gây nên một sự thiệt hại to lớn về kinh tế và môi trường.
Mặt khác, phân loại điều kiện lao động đúng theo mức độ nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm là một khía cạnh quan trọng của pháp luật về an toàn và vệ sinh lao động, đảm bảo quyền, sự an toàn và sức khỏe của người lao động, từ đó đưa ra các giải pháp cải thiện, cũng như chế độ chính sách phù hợp cho người lao động.
Hội thảo “Nâng cao kiến thức, giải pháp, chế độc chính sách cho các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong môi trường lao động” cũng không nằm ngoài mục đích đó.