Đề xuất áp dụng bảo hiểm y tế bắt buộc với toàn dân từ 2014
Tán thành với quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế, đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Cạn) cho rằng, mọi đối tượng đều phải tham gia bảo hiểm y tế, đây là trách nhiệm xã hội, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Việc quy định bảo hiểm y tế bắt buộc, mọi thành viên trong xã hội sẽ xác định rõ hơn nghĩa vụ đóng vào quỹ bảo hiểm y tế theo khả năng thu nhập, qua đó nâng cao các giá trị xã hội thông qua huy động được sức mạnh của cộng đồng, đoàn kết, tương trợ, chia sẻ rủi ro, đồng thời tạo ý thức trách nhiệm chăm lo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Nếu thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện sẽ khó đạt được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2020.
Nghi ngờ tính thực tế, khả thi của quy định, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) chỉ rõ, dự thảo luật quy định thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc nhưng không quy định chế tài để xử lý những trường hợp không tham gia sẽ khó đảm bảo việc chấp hành nội dung bắt buộc tham gia hiểm y tế.
Theo bà Phúc, cần tiếp tục kế thừa luật bảo hiểm y tế hiện hành, mọi đối tượng đều có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế và tham gia theo hộ gia đình, phù hợp với điều kiện sống hiện nay của người dân, bảo đảm tính khả thi của pháp luật, khắc phục những hạn chế của luật thời gian qua như trùng lắp và bỏ sót đối tượng, cấp trùng thẻ, tránh sự xáo trộn quá nhiều, bảo đảm tính bền vững của chính sách.
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm: "Hiện mới chỉ có 28% người dân tự nguyện mua BHYT, quy định bắt buộc tham gia với toàn dân có khả thi?".
“Gật đầu” với những phân tích này, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) nhận định, toàn bộ nội dung dự thảo Luật chưa thể hiện được tính chất “bắt buộc” khi chưa đưa ra được chế tài xử lý. Bà Nhiệm nêu thực tế, hiện nay, đối tượng tham gia chủ yếu là người hưởng lương ngân sách, người có công, hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, nhóm tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế mới đạt 28%. Từ đó, đại biểu đặt câu hỏi, quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế liệu có khả thi?
Bà Nhiệm đề nghị cần làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm y tế với ý nghĩa nhân văn là cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ rủi ro, đồng thời giảm thủ tục hành chính để thu hút người dân tự nguyện tham gia.
Cũng góp ý về nội dung này, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng còn một loạt câu hỏi về các vấn đề chưa có câu trả lời. Cụ thể, ông Tuấn băn khoăn, nhà nước có bắt buộc được tất cả người dân có mức thu nhập trung bình bỏ ra một khoản tiền để mua bảo hiểm y tế hay không trong khi họ cảm thấy sức khỏe còn rất tốt và chưa cần thiết sử dụng các dịch vụ y tế?
Hơn nữa, có nên bắt buộc tất cả người dân tham gia hay không khi nhiều cơ sở ở tuyến dưới chất lượng khám chữa bệnh còn kém, thiếu trang bị khiến người dân phải dồn lên tuyến trên gây nên tình trạng quá tải?
Ngoài ra, tương tự các ý kiến khác, ông Tuấn cũng đặt vấn đề, thực tế có bắt buộc được người dân hay không khi dự thảo luật không có chế tài xử lý nếu không tham gia bảo hiểm y tế?
Ông Tuấn nhận xét là dự thảo luật chưa có quy định đề cập đến trách nhiệm của các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khi gây phiền hà cho bệnh nhân, không đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh. Ông Tuấn đề nghị phải có xử lý, chế tài để đảm bảo công bằng với người mua bảo hiểm y tế.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) dù nhận định bảo hiểm y tế bắt buộc là phù hợp nhưng hiện tại phải làm sao để người dân chủ động tự nguyện tham gia là tốt nhất. Đại biểu cho rằng, điều quan trọng là phải từng bước phải tiến tới việc ưu tiên cho người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để khuyến khích người tham gia như được khám trước, được hưởng các dịch vụ hiện đại… “Nếu chất lượng, dịch vụ khám bảo hiểm y tế mà được như khám địch vụ thì tôi tin toàn dân sẽ tham gia” – đại biểu so sánh.
Về vấn đề tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình, nhiều đại biểu cho rằng quy định này khắc phục được các bất cập hiện nay nhưng không phù hợp với điều kiện hộ gia đình khó khăn, không có việc làm hoặc những người dân di cư sang làm ăn ở các địa phương khác, khi phân tuyến khám chữa bệnh sẽ gặp nhiều vướng mắc cho người dân. Các đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ quy định này.
Thảo luận nội dung phân cấp quản lý quỹ bảo hiểm y tế cho tỉnh, thành phố và xử lý kết dư, bội chi quỹ, đa số ý kiến đề nghị quy định cụ thể tỷ lệ trích nộp quỹ dự phòng về trung ương và tổ chức Hội đồng quản lý quỹ tại tỉnh; đồng thời, quy định rõ khi quỹ bảo hiểm y tế ở tỉnh kết dư thì tỉnh được ưu tiên sử dụng một phần kết dư kể cả trong trường hợp quỹ dự phòng trung ương kết dư hay bội chi để tránh tình trạng khi quỹ ở trung ương bội chi thì quỹ ở tỉnh dù có kết dư cũng không được sử dụng.