Dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh: Có phải do thương lái?
Nhiều lỗ hổng trong công tác chống dịch
Phát biểu tại hội thảo “Rà soát các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi phù hợp với thực tiễn của Việt Nam” với 27 tỉnh thành từ Thừa Thiên - Huế trở ra phía Bắc sáng 9/3, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, nhiều địa phương có tình trạng bán chạy, bán tháo lợn có dịch và có việc người chăn nuôi giấu dịch.
Theo ông Phùng Đức Tiến, do giá hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định hiện nay là 38.000 đồng/kg lợn hơi, thấp hơn so với giá thị trường; nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng/kg; thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều tháng; thủ tục hỗ trợ vướng vì quy định người chăn nuôi phải đăng ký và có xác nhận của chính quyền, nhưng thực tế các nội dung này không khả thi vì hiện cả nước có hàng triệu hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và hầu hết các hộ chăn nuôi không khai báo, đăng ký khi nuôi lợn.
Trong khi thủ tục hỗ trợ mất nhiều thời gian, người dân bán chạy lợn bệnh, lợn nghi bệnh, không báo cho chính quyền và cơ quan thú y... Các địa phương chưa bố trí kinh phí trả thù lao hoặc có bố trí nhưng mức trả rất thấp so với chi phí thực tế, dẫn đến tình trạng ngại hoặc không tham gia triển khai các hoạt động phòng, chống, nhất là khi cần phải thực hiện trong thời gian dài. Chính những nguyên nhân này càng khiến dịch bệnh có nguy cơ lây lan, bùng phát ở nhiều địa phương khác.
Trả lời PV, ông Nguyễn Văn Long, trưởng phòng Dịch tễ – Cục Thú Y cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch tả lợn châu Phi như: Bán chạy lợn bệnh, nghi bị bệnh; vận chuyển, buôn bán lợn bệnh; người chăn nuôi ném lợn mắc bệnh xuống sông, ngòi, ao, hồ…; thiếu nhân lực và vật lực ngành thú y… .
Theo ông Long, một trong những nguyên nhân chính khiến cho dịch tả lợn châu Phi khó kiểm soát như hiện nay là do bán chạy, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ giữa người chăn nuôi và thương lái.
Do một số những thông tin không chính xác trên mạng xã hội dẫn đến việc người dân quay lưng lại với thịt lợn.
“Sau khi tôi đi kiểm tra các ổ dịch và có hỏi thông tin thì được biết, nhiều hộ chăn nuôi khi thấy lợn mình ốm liền gọi cho thương lái để bán. Thậm chí, nhiều hộ chăn nuôi gọi thương lái bán xong nhưng không biết những thương lái này ở đâu vì thông qua mối giới thiệu của những thương lái khác. Khi thu mua lợn bệnh xong, những thương lái này vận chuyển đến các lò giết mổ, sau đó đem bán từ nơi này đến nơi khác. Chính vì vậy, dịch mới lan rộng ra các địa phương, tỉnh thành khác trên cả nước”, ông Long cho hay.
Giá thịt lợn giảm trước dịch tả lợn châu Phi
Trong khi dịch lở mồm long móng vẫn còn hoành hành ở nhiều địa phương, người chăn nuôi lợn lại tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Đây là loại dịch bệnh nguy hiểm, gây tử vong gần như 100% ở lợn và hiện chưa có thuốc phòng, chữa. Thông tin này đã khiến người chăn nuôi hoang mang, nhiều hộ bán tháo đàn mong bảo vệ đồng vốn. Lợi dụng tình hình này, tư thương đã ép giá, khiến giá thịt lợn giảm sâu.
Anh Lê Xuân Mới (chủ một cơ sở giết mổ và chế biến thịt lợn tại Đông Anh, Hà Nội) cho biết, những ngày vừa qua có thông tin về dịch tả châu Phi, cơ sở của anh đã nhận được thông báo phòng dịch và quán triệt chỉ thu mua lợn thịt từ các cơ sở chăn nuôi trong địa bàn huyện và một số xã lân cận. Hiện giá thu mua lợn hơi tại các hộ chăn nuôi dao động từ 40.000 – 43.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Từ sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở một số tỉnh miền Bắc, theo ghi nhận của PV, sức mua và giá thịt lợn các loại tại một số chợ khu vực Cầu Giấy, Ngã tư sở, Hà Đông… giảm đáng kể so với trước. Theo đó, giá thịt lợn các loại đã giảm khoảng 5.000 – 10.000 đồng/kg như thịt nạc, sườn còn khoảng 80.000 - 85.000 đồng/kg, thịt ba chỉ còn 70.000 - 75.000 đồng/kg.
Chị Lê Thị Hồng - một chủ sạp bán thịt lợn ở chợ Hà Đông (Hà Nội) cho biết, trước khi có thông tin về dịch thì mỗi ngày chị bán khoảng hơn 2 tạ thịt lợn. Nhưng từ nửa tháng nay, số lượng bán ra giảm hẳn. Nếu ngày nào đông khách nhất cũng chỉ bán được hơn một tạ thịt lợn các loại.
“Từ khi nghe thông tin xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi ở quận Long Biên, có vẻ như một số người dân ngại ăn thịt lợn do lo sợ mua phải thịt lợn bị dịch bệnh. Vì thế, giá thịt lợn cũng giảm hơn so với trước từ 5.000 – 10.000 đồng/kg, tùy loại”, chị Hồng cho hay.
Khi được hỏi về mức tiêu thụ thịt lợn trong thời gian gần đây, nhiều người cho biết hoàn toàn không mua và ăn thịt lợn kể từ khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở nước ta. Anh Ngô Đăng Huy nhà ở phường Phúc La (Hà Đông, Hà Nội) có quan điểm: “Dẫu biết bệnh dịch tả lợn không lây nhiễm sang người, tôi và gia đình vẫn nhất quyết từ chối sản phẩm làm từ thịt lợn. Vì tôi có suy nghĩ nếu lợn nhiễm bệnh thì người ăn chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít – nhiều đến sức khỏe”.
Không chỉ anh Huy, không ít người cũng có suy nghĩ phòng còn hơn chữa nên họ quyết định từ chối thịt lợn và các sản phẩm làm từ thịt lợn. Tuy nhiên, điều đáng mừng là vẫn có nhiều người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn.
“Dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người, hơn nữa ai cũng có thể phân biệt được rõ ràng thịt lợn nào ngon, thịt lợn nào không ngon. Tôi thấy cơ quan chức năng vào cuộc rất chặt chẽ, kiểm soát nghiêm ngặt không cho lợn ở vùng dịch qua cửa kiểm soát nên gia đình tôi vẫn dùng thịt lợn bình thường” - chị Hồng Vững nhà ở phường Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) cho hay.
Đ-L