Điện Biên: Bệnh nhân phải cưa chân vì hoại tử “tố” bệnh viện tắc trách
Bệnh nhân Nga nhập viện sau tai nạn giao thông và được bác sĩ ở Bệnh viện Đa Khoa Tỉnh Điện Biên chẩn đoán là sai khớp gối, nhưng sau thời gian điều trị chị phải cưa chân do hoại tử quá nặng.
Ngày 23/6, Sức khỏe & Môi trường điện tử có tiếp nhận đơn của bà Bùi Thị Bình (60 tuổi) – mẹ của bệnh nhân Đỗ Thị Nga (trú tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).
Bệnh nhân Đỗ Thị Nga
Trong đơn bà cho biết ngày 6/3/2017, chị Nga bị tai nạn giao thông và được cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Tại đây, các bác sỹ chuẩn đoán chị Nga bị trật khớp gối phải. Ngoài ra, không có tổn thương khác.
Đến 18h50 cùng ngày, chị Nga được các bác sỹ tiến hành nắn trật khớp gối phải. Sau đó, các bác sỹ cho biết chị Nga phải nằm tại viện để theo dõi và không tư vấn thêm điều gì.
Để làm rõ đơn thư bạn đọc Pv đã có buổi làm việc trực tiếp với gia đình nạn nhân. Cũng theo đó Anh Hùng (chồng chị Nga) cho biết, sau khi khám và chụp phim, bác sĩ cho hay chị Nga bị sai khớp gối và tiến hành sửa khớp và chỉ định nằm theo dõi tại bệnh viện.
Trong suốt ngày 7/3, anh Hùng túc trực bên vợ thì thấy không có bác sĩ nào đến thăm khám. Đến ngày 8/3, chân của chị Nga không đỡ mà còn có dấu hiệu nặng hơn nên gia đình đã chủ động nhờ người quen cũng làm trong bệnh viện kiểm tra và xin chuyển bệnh nhân về điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Sau khi chụp chiếu và xét nghiệm, sáng ngày 9/3, các bác sỹ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức kết luận cẳng bàn chân phải của chị Nga đã bị hoại tử sau trật khớp gối do tổn thương mạch khoeo chân. Ngay trong ngày, các bác sỹ đã tiến hành hai phẫu thuật với hy vọng cứu được chân của chị Nga.
Sau khi phẫu thuật một tuần, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết hai phẫu thuật trước đó không có hiệu quả. Thời điểm này, chân phải của chị Nga đã hoại tử và không thể cứu được. Sau đó, các bác sỹ bắt buộc phải tiến hành phẫu thuật cắt cụt 1/3 đùi phải.
Bà Bình cho rằng nguyên nhân do bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên tắc trách không tư vấn cho gia đình chuyển tuyến sớm nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc trên. “Là lao động chính trong gia đình nuôi hai con trai ăn học, lại sinh sống ở một xã miền núi khó khăn tại Điện Biên. Để tiện chăm sóc con nên tôi xin cho cháu điều trị tại Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nơi tôi đang sinh sống chứ giờ cháu nó không thể lao động được như người bình thường được thì lên đấy ai chăm sóc được? Ở dưới này tôi vừa bán nước kiếm đồng trang trải cuộc sống và điều trị cho con tôi. – bà Bình đau xót chia sẻ.
Bà Bình cho rằng nguyên nhân do bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên tắc trách?
Chị Nguyễn Thị Nhàn (em chồng bệnh nhân Nga) cho biết, bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên không hề tư vấn cho bệnh nhân chuyển tuyến. “Nếu bệnh viện có tư vấn thì chúng tôi đã cho đi, chúng tôi cũng tin tưởng bác sỹ nên cứ nghĩ không có gì nghiêm trọng. Khi xuống đến Hà Nội, các bác sỹ Bệnh viện Việt Đức mới bảo tại sao để như thế này mới cho về đây” – chị Nhàn bức xúc kể lại sự việc.
Tư vấn chuyển tuyến: Người nhà nói không, bác sỹ nói có (?)
Băn khoăn về việc khi con gái bà nhập viện bác sỹ chỉ chuẩn đoán bị trật khớp gối nhưng sau khi điều trị thì chân chị Nga lại bị hoại tử và phải cắt bỏ một phần nên bà Bình đã gửi đơn lên bệnh viện Đa Khoa tỉnh Điện Biên để hỏi.
Ngày 12/6, bệnh viện Đa Khoa tỉnh Điện Biên có văn bản số 256–TL–BVT gửi cho bà Bình. Trong văn bản bệnh viện cho biết cho biết, sau khi xảy ra sự việc, bệnh viện đã thành lập Hội đồng chuyên môn để tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự việc của bệnh nhân Đỗ Thị Nga.
Theo bệnh viện Hội đồng chuyên môn nhận định, chấn thương trật khớp gối tỷ lệ bệnh nhân có tổn thương động mạch khoeo chiếm khoảng 40-60%. Việc bác sỹ đã đặt vấn đề theo dõi tổn thương động mạch khoeo thể hiện bác sỹ trực đã tiên lượng trước được và có tư vấn cho bệnh nhân chuyển tuyến.
Quay trở lại hỏi gia đình bệnh nhân về vấn đề trên, cả gia đình và bệnh nhân Nga đều khẳng định Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên chưa từng tư vấn cho bệnh nhân hay người nhà chuyển lên tuyến trên. Họ cho rằng việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên trả lời như vậy là không đúng sự thật. Cũng theo người nhà bệnh nhân, kể từ khi xảy ra sự việc đến nay, phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cũng chưa từng đến thăm hỏi bệnh nhân Nga.
Bệnh viện bảo có, bệnh nhân bảo không, hiện nay chưa thể xác định đâu là sự thật. Nhưng thực tế rõ ràng nhất là chị Đỗ Thị Nga đã bị mất một phần chân phải, đây là sự mất mát không gì có thể bù đắp được?
Sức khỏe & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin…
Nhóm PV