Dinh dưỡng và sức khỏe
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Xuân Ninh -Trưởng phòng khám Dinh dưỡng, Viện y học ứng dụng VIAM |
SK&MT: Thưa bác sĩ, dân gian vẫn có câu: “Bệnh từ miệng”, “Quá khẩu thành tà”. Phải chăng việc ăn uống là rất quan trọng đối với sức khỏe và bệnh tật của con người?
Câu này rất đúng, thực ra từ thời trước Công nguyên, người ta đã hiểu và thực hiện rất đúng châm ngôn này. Sau này khoa học kỹ thuật phát triển, người ta mới biết đến thuốc nọ thuốc kia, rồi các chất dinh dưỡng cần thiết, rồi đến thực phẩm chức năng. Đói quá ăn bậy ăn bạ cũng sinh đủ thứ bệnh, mà thực phẩm thừa thãi quá như hiện nay mà không biết cách ăn cũng sinh nhiều bệnh. Rồi công nghiệp phát triển không kiểm soát gây ô nhiễm môi trường, sử dụng chất bảo quản, thuốc sâu tràn lan không đúng quy trình, gây ô nhiễm nước, không khí, thực phẩm ... cũng là nguồn gốc của nhiều bệnh tật.
Thật đúng với câu “Bệnh từ miệng”, “Quá khẩu thành tà”. Ăn nhậu nhiều, ăn vô tội vạ không có kiến thức, cùng với lười vận động và ít hoạt động thể lực, là cặp đôi ăn ý đưa người ta dễ mắc bệnh kể trên. Xin lấy mấy vị dụ đơn giản để minh họa, mỗi cốc bia 330ml có giá trị năng lượng tương đương miệng bát cơm 200Kcal, 1 cốc trà sữa có năng lượng khoảng 400 Kcalo; 1 bữa ăn combo tại cửa hàng ăn nhanh gồm 1 bánh Humbeger, 1 đĩa khoai tây chiên, 1 Coca có mức năng lượng khảng 1500Kcalo ( cao gấp 2 lần bữa ăn trung bình). Chưa kể những người lạm dung rượu, bia, thuốc lá... thì còn kèm theo nhiều tác hại khác về tim mạch, huyết áp, đột quỵ.
Một ví dụ khác là ăn uống không đúng ảnh hưởng trực tiếp tới các bệnh của đường tiêu hóa: viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm đại tràng, ung thư vòm họng... được chứng mình là do thói quen ăn uống không đúng, không khoa học. Ví dụ các món thít quay, rán nướng thịt béo trên than hồng, mùi thơm ngon với đột trực tiệp trên lửa, bị nhiễm rất nhiều chất gây ung thư, hoặc các món dưa cà muối, kim chi... cũng là những món nguy cơ cao gây ung thư vòm họng.
SK&MT: Trong các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc thì Dinh dưỡng được đặt ở vị trí nào?
Tổ chức y tế thế giới, WHO 2018 có đưa ra khuyến nghị về 3 yếu tố chính liên quan chặt chẽ khi chữa bệnh không dùng thuốc: ăn uống, thể dục thể thao hợp lý và giữ cân nặng ở mức hợp lý. Để giữ cân nặng ở mức hợp lý, thì dinh dưỡng đóng 80%, tập thể dục đúng chiếm 20%.
Có thể nói dinh dưỡng là một yếu tố nền tảng của phương pháp chữa bệnh. Khi dinh dưỡng đúng, cơ thể khỏe mạnh thì sẽ hạn chế và kìm hãm rất nhiều bệnh tật phát triển, không phải vào viện. Khi bệnh nặng rồi phải nhập viện thì bác sỹ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị cấp cứu: cắt mổ xẻ khối u, thuốc kháng sinh mạnh, truyền dịch, thở máy hô hấp nhân tạo... những vẫn không thể tách rời các chế độ ăn uống phù hợp. Bên cạnh dinh dưỡng đúng hàng ngày, thì chế độ tập luyện thể dục thể thao, tích cực hoạt động thể lực là rất tốt cho phát triển cơ, xương, tim mạch, thần kinh tinh thần..
SK&MT: Làm thế nào để có thể phòng bệnh hiệu quả thông qua chế độ dinh dưỡng?
Nói về nguyên tắc chung thì có vẻ đơn giản, ví dụ bữa ăn cân đối, hợp lý phù hợp vói nhu cầu của từng cá thể, tuy nhiên như thế nào là cân đối hợp lý phù hợp với từng cá thể thì lại yêu cầu một cách khoa học, mà các chuyên gia dinh dưỡng có thể trợ giúp.
Dinh dưỡng hợp lý là phù hợp với mỗi người. Vì cơ thể mỗi người thừa thiếu dinh dưỡng, gầy béo, khác nhau, bệnh lý khác nhau. Vì vậy mỗi người cần được đanh giá tình trạng dinh dưỡng của mình, lập chế độ độ ăn phải phù hợp về năng lượng và các chất dinh dưỡng khác, ví dụ người muốn giảm cân giảm mỡ thì phải giảm năng lượng và giữ mức Carb ở mức vừa phải (không được cắt bỏ hoàn toàn), phân bố bữa ăn hợp lý, bổ sung một số vitamin và khoáng chất, tập luyện thể dục với cường độ trung bình 3-4 lần x 60 phút/mỗi tuần; người đái tháo đường, tăng huyết áp cũng phỉa có chế độ ăn riêng, cùng với thể trạng gầy béo phù hợp. Phòng khám dinh dưỡng VIAM hàng ngày tiếp nhận tư vấn khá nhiều các trường hợp như vậy đến khám, bác sỹ dinh dưỡng đã đánh giá, tư vấn chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp, tránh đi đường vòng, áp dụng các phương pháp quảng cáo giảm cân nhanh trên mạng, thường không có hiệu quả, nhiều khi còn gây hại cho sức khỏe.
Cũng cần lưu ý: một chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực hợp lý cần được thực hiện suốt cuộc đời chứ không phải chỉ một giai đoạn ngắn nào đó!
SK&MT: Bác sĩ có lời khuyên cụ thể nào cho dinh dưỡng mùa hè sắp tới?
Mùa hè nóng nực độ ẩm cao, thường gây mệt mỏi, ăn uống kém ngon miệng, dễ mắc một số bệnh về đường tiêu hóa, nhiễm khuẩn và ngộ độc thức ăn, gây suy giảm sức khỏe chung, nhất là người già và trẻ em.
Cần ăn uống thực phẩm tươi, ăn đủ bữa, ưu tiên các thức ăn lỏng dễ tiêu, khi tập luyện thể dục thể thao chú ý thời tiết, tập khi trời mát, bù đủ nước và điện giải. Nhìn nước tiểu có màu trắng hoặc vàng nhạt là uống đủ nước, mầu đậm hoặc nâu là thiếu nước.
Các loại hoa quả tươi, quả chín, giàu vitamin, chất xơ, nước, nên được ưu tiên trọng bữa ăn.
Phòng chống ngộ độc thức ăn trong mùa hè: hạn chế các thức ăn thừa của bữa trước, để lại bữa sau, nếu cất giữ cũng nên đúng cách, tránh nhiễm khuẩn chéo từ thực phẩm tươi sống khác trong tủ lạnh hoặc ngoài trời. Khi đi dã ngoại hoặc du lịch, chú ý đồ ăn thức uống sạch, có nhãn mác uy tín, tránh ngộ độc thức ăn.
Những người có bệnh lý mạn tính cũng vẫn cần theo chế độ ăn đã được bác sỹ hướng dẫn. Chú ý vệ sinh tay, rửa tay trước khi ăn, hạn chế rau sống từ nguồn không đảm bảo, tránh các thức ăn lạnh, dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm bẩn. /.
SK&MT: Cảm ơn PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh.