Tại sao bệnh ung thư đang gia tăng trên thế giới
Bệnh ung thư đang gia tăng nhanh trên thế giới
Theo số liệu thống kê của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IACR, thuộc WHO) vừa công bố về tình hình ung thư hiệu chỉnh theo độ tuổi của 185 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2020 thì so với năm 2018, thế giới ghi nhận thêm hơn 2 triệu ca mắc mới ung thư, lên gần 19,3 triệu ca và số ca tử vong tăng từ 9,6 triệu ca (2018) lên 9,96 triệu ca (2020). Với năm 2021 là một năm mà cả thế giới đã vượt ngưỡng mới và nghiêm trọng hơn về ung thư. Khi ước tính được đã có khoảng 20 triệu người được chẩn đoán mắc ung thư và thực tế đã có 10 triệu người tử vong do ung thư.
Ảnh minh họa: Bệnh ung thư được xếp vào top 10 căn bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới và Việt Nam. |
Trong những năm gần đây, y tế bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19, điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân ung thư. Khảo sát của WHO tiến hành trên nhiều nước cho thấy 77,5% bệnh nhân ung thư bị gián đoạn hoặc chậm trễ điều trị trong thời gian dịch bệnh. Từ giai đoạn chẩn đoán đến các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ đều bị ảnh hưởng ít nhiều.
Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ ung thư đang gia tăng đối với những người trẻ tuổi và xu hướng đáng báo động cho thấy đây có thể là một dịch bệnh toàn cầu. Kết quả của các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Brigham and Women's ở Boston, và xuất bản trên Tạp chí Nature Reviews Clinical Oncology cho thấy: “Trong vài thập kỷ qua, tỷ lệ mắc ung thư khởi phát sớm, và thường được chẩn đoán ở người lớn dưới 50 tuổi. Chủ yếu các cơ quan như: ở vú, đại trực tràng, nội mạc tử cung, thực quản, ống mật ngoài gan, túi mật, đầu và cổ, thận, gan, tủy xương, tuyến tụy, tuyến tiền liệt, dạ dày và tuyến giáp đã tăng lên ở nhiều quốc gia”.
Có một số giả thuyết giải thích tại sao các trường hợp ung thư ngày càng gia tăng ở những người dưới 50 tuổi. Rất nhiều người trong giới khoa học đang cố gắng tìm ra điều đó. Bhavana Pathak - nhà huyết học và bác sĩ ung thư y tế được chứng nhận bởi hội đồng quản trị tại Viện Ung thư Memorial Care tại Trung tâm Y tế Orange Coast ở Fountain Valley California (Hoa Kỳ), cho biết: “thường bao gồm những người ít vận động hơn, tập thể dục ít hơn và ăn thực phẩm chế biến sẵn nhiều hơn”.
Mặc dù chắc chắn không phải là thông tin tốt khi những người trẻ tuổi có nguy cơ gia tăng, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho biết khả năng tử vong đã giảm. Nguy cơ tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ đã giảm trong 28 năm qua theo số liệu thống kê hàng năm do Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) báo cáo. Tỷ lệ tử vong do ung thư ở cả nam và nữ cộng lại năm 2019 đã giảm 32% so với mức cao nhất vào năm 1991. Sự sụt giảm này dường như có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ người mắc bệnh ung thư phổi sống lâu hơn sau khi chẩn đoán, một phần là do nhiều người được chẩn đoán ở giai đoạn đầu của bệnh ung thư phổi.
Ở nước ta theo báo cáo thống kê về tình hình bệnh ung thư của GLOBOCAN. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185. Trong đó, ước tính trong năm có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Vậy cứ mỗi 100.000 người thì có 159 người mắc ung thư và trong đó có 106 người tử vong do ung thư. Cả nước đang còn 353.000 bệnh nhân sống chung với ung thư với các bệnh ung thư phổ biến ở nam giới gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến là những ung thư phổ biến nhất (chiếm khoảng 65.8% tổng các loại ung thư). Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59.4% tổng các loại ung thư). Chung cho cả 2 giới các loại ung thư phổ biến là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng.
Trong các loại ung thư, gan và phổi là 2 ung thư tiên lượng xấu nhất. Với ung thư gan, năm 2020 nước ta có thêm 26.418 ca mắc mới và 25.272 ca tử vong. Tương tự, ung thư phổi có 26.262 ca mắc mới, 23.797 ca tử vong.
Qua số liệu trên có thể thấy là tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam và trên thế giới đều đang tăng nhanh. Tình hình này cũng tương tự với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Ý, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do ung thư tại các quốc gia này lại giảm.
Nguyên nhân các trường hợp ung thư gia tăng
Ung thư là bệnh lý gây nên bởi nhiều yếu tố phối hợp nhưng chung quy lại là 2 nhóm yếu tố: nhóm yếu tố thay đổi được (như hành vi lối sống, môi trường…) và nhóm yếu tố không thay đổi được (tuổi tác, gen…).
Anton Bilchik Tiến sĩ, bác sĩ phẫu thuật ung thư và trưởng khoa phẫu thuật tổng quát tại Trung tâm Y tế Providence Saint John, đồng thời là trưởng khoa và giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đường tiêu hóa tại Viện Ung thư Saint John ở Santa Monica (Los Angeles, Hoa Kỳ) chia sẻ: “Có nhiều lý do có thể xảy ra nhưng có một mối quan hệ rõ ràng giữa lối sống ít vận động hơn, béo phì, hút thuốc và thực phẩm chế biến sẵn. Tất cả những yếu tố này được coi là tiền viêm nhiễm, dẫn đến sự gián đoạn hệ vi sinh vật (vi khuẩn trong cơ thể chúng ta) và hệ thống miễn dịch”.
Sự gián đoạn này có thể loại bỏ tác dụng bảo vệ của một số tế bào để ngăn ngừa ung thư và kích thích các tế bào khác hình thành ung thư. Cũng có thể là với các kỹ thuật sàng lọc được cải thiện (chụp CT, MRI, xét nghiệm DNA phân tại nhà, nội soi…) và sụ tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, nhiều bệnh nhân trẻ tuổi được sàng lọc sớm hơn dẫn đến phát hiện nhiều bệnh ung thư hơn. Cuối cùng, chúng ta đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của tiền sử gia đình và các gen (yếu tố di truyền) có thể dẫn đến ung thư ở độ tuổi trẻ hơn.
Nói tóm lại nguyên nhân các trường hợp bệnh ung thư gia tang là do: Các yếu tố về hành vi lối sống như hút thuốc lá (là nguyên nhân của 30% các loại ung thư, gây ra 20 loại ung thư khác nhau và 90% nguyên nhân của ung thư phổi); lạm dụng rượu bia là nguyên nhân gây ra các loại ung thư như ung thư miệng, họng; ung thư gan; ung thư vú, ung thư đại trực tràng); Chế độ ăn ăn uống không hợp lý, ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, sử dụng các thực phẩm mốc (gạo, lạc…), hay thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, cá muối…) đóng vai trò 35% nguyên nhân gây ung thư (như ung thư vú, thực quản, đại trực tràng…); Thói quen ít vận động cũng là nguyên nhân gây nên một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư đại trực tràng; Vấn đề về ô nhiễm không khí và môi trường cũng là những yếu tố gây ung thư; Nhận thức người dân tốt hơnvề việc chủ động khám tầm soát ung thư, đi khám sức khỏe, trong đó có việc sàng lọc ung thư nên sẽ phát hiện nhiều trường hợp hơn và cùng với đó là phát triển, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chẩn đoán ung thư ngày càng cao cũng giúp phát hiện ra bệnh nhiều hơn.
Sean Marchese, một y tá đã đăng ký tại Trung tâm ung thư trung biểu mô với nền tảng và các thử nghiệm lâm sàng ung thư và hơn 20 năm kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân trực tiếp cho biết, “Theo thống kê ung thư năm 2023 do Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ công bố, tỷ lệ mắc một số bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư tuyến tiền liệt, đang gia tăng. Ung thư tuyến tiền liệt là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai ở nam giới và tăng 3% mỗi năm từ năm 2014 đến năm 2019. Hiện chưa rõ lý do tại sao lại tồn tại các ca mắc ung thư cụ thể nhưng tỷ lệ sàng lọc tăng và các phương pháp phát hiện nhạy cảm có thể giúp phát hiện nhiều trường hợp hơn. Nhiều người trưởng thành dưới 50 tuổi đang có tỷ lệ mắc ung thư cao hơn, điều này có thể do chế độ ăn uống và lựa chọn lối sống kém lành mạnh. Cũng có thể là những bệnh ung thư trước đây đã bị bỏ sót hiện đang được chẩn đoán. Hiện có nhiều công nghệ tiên tiến hơn để phát hiện ung thư và ngày càng có nhiều người lớn dưới 60 tuổi được sàng lọc”.
Tại sao ung thư vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu
Tiến sĩ Pathak nói: “Việc điều trị thực sự đã được cải thiện rất nhiều để trở nên cá nhân hóa và tập trung hơn. Một ý kiến cho rằng với sự già hóa dân số và đặc điểm sinh học của bệnh ung thư bắt đầu từ các tế bào gặp khó khăn trong việc chữa trị tổn thương khi con người càng già đi, thì chúng ta tiếp tục thấy tỷ lệ mắc bệnh ngày càng cao”.
Tiến sĩ Bilchik nói: “Nhiều bệnh ung thư có thể điều trị được nhưng những bệnh khác như ung thư tuyến tụy tiếp tục kháng hóa trị và xuất hiện ở giai đoạn nặng hơn. Với sự gia tăng số lượng bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, đặc biệt là ở độ tuổi dưới 50, nó có thể hiểu rằng sẽ tiếp tục là nguyên nhân thứ hai gây tử vong. Có sự lạc quan rằng điều này sẽ thay đổi với các xét nghiệm sàng lọc hiệu quả hơn, hiểu rõ hơn về sự phát triển của bệnh ung thư và sự sẵn có của các liệu pháp mới hơn, nhắm mục tiêu chữa trị cao hơn”.
Marchese giải thích: “Ung thư có thể điều trị được nhiều hơn so với những năm trước, nhưng thực tế là chúng ta vẫn chưa có cách chữa trị cho hầu hết các bệnh ung thư chính. Tỷ lệ tử vong do ung thư đã giảm 33% kể từ năm 1991, chênh lệch khoảng 3,8 triệu ca ung thư tử vong. Nhiều bệnh nhân thuyên giảm hơn hoặc có nhiều lựa chọn điều trị hơn cho các bệnh ung thư tiến triển ốt hơn. Nhiều bệnh ung thư cũng được phát hiện ở giai đoạn sớm hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ ung thư phát triển trong dân số nói chung vẫn còn đáng lo ngại và cần phải nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn phơi nhiễm và rủi ro dẫn đến ung thư”.
Làm thế nào để giúp giảm nguy cơ ung thư
Theo các chuyên gia y tế, với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm, tỉ lệ chữa khỏi càng cao, tiết kiệm về chi phí; ngược lại nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì luôn để lại gánh nặng lớn về kinh phí và hiệu quả điều trị cũng giảm đáng kể. Do vậy, mỗi người dân cần duy trì thói quen khám sức khoẻ định kỳ, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ về ung thư cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, phát hiện sớm hoặc loại trừ bệnh ung thư.
Cần thực hiện tốt những khuyến cáo như: Không hút thuốc lá, thuốc lào, không sử dụng rượu bia, và nhiều chất kích thích khác. Có chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý: ăn nhiều rau xanh, củ quả. Hạn chế sử dụng chất béo, thịt đỏ, thức ăn chứa nhiều muối, tránh đồ uống có đường. Không ăn thực phẩm mốc, ôi thiu, thực phẩm nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng, kích thích…Thiết lập một chế độ tập luyện nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần luôn thoải mái lạc quan.
Theo Tiến sĩ Bilchik, “Hiện nay người ta đã chứng minh thực tế rằng tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên, chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả, không hút thuốc và thừa cân,béo phì, ăn ít thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn đều làm giảm nguy cơ phát triển ung thư”.
Marchese nói với chúng tôi: “Mọi người có thể tự trang bị cho mình kiến thức về nguy cơ ung thư bằng cách biết tiền sử gia đình, môi trường hoặc lối sống của họ có thể dẫn đến ung thư như thế nào. Bỏ thuốc lá và ăn uống lành mạnh thường là những giải pháp cần thiết, nhưng các chiến lược khác, chẳng hạn như sức khỏe tim mạch và quản lý bệnh tiểu đường, cũng có thể ngăn ngừa ung thư. Hãy đến hỏi bác sĩ về những biểu hiện, những yếu tố nguy cơ chính gây ung thư của bạn là gì và làm thế nào để tránh chúng. Hãy cảnh giác, thận trọng với các hóa chất hoặc vật liệu nguy hiểm trong môi trường của bạn có thể tiếp xúc dẫn đến gây ung thư, chẳng hạn như khói bụi, hạt mịn…”.