Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường cần được sửa đổi và quy định rõ ràng
“Cụ thể hóa” các điều khoản
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi vừa được trình Quốc hội ngày 20/5. Dự thảo Luật có 16 chương, 192 điều, cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động; trong đó, đã bố cục lại các nội dung theo hướng đưa mục tiêu bảo vệ thành phần môi trường là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách khác; quy định chính sách quản lý theo tiến trình thực hiện của dự án đầu tư từ khi chuẩn bị, đưa vào hoạt động cho đến khi kết thúc dự án…
Một nội dung luôn thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp và cộng đồng xã hội trong mỗi lần sửa Luật đó là các quy định đánh giá tác động môi trường, yêu cầu về giấy phép… Điều 41 của Dự thảo Luật lần này quy định về Báo cáo đánh giá tác động môi trường, thông tin chung về dự án; dữ liệu và phương pháp đánh giá tác động môi trường đã sử dụng… PGS.TS Đặng Kim Chi - Chuyên gia tư vấn môi trường độc lập nhận định, quy định này có thể gây khó khăn nếu trình tự, thủ tục không phù hợp với thực tế. Cùng với đó, Điều 159 Dự thảo Luật nên xác định giá dịch vụ xử lý chất thải, nước thải được thực hiện thông qua quá trình đấu thầu, cung cấp dịch vụ công...
Ra quân bảo vệ môi trường biển
TS. Hoàng Dương Tùng - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, cho rằng, ở Mục 2 của Chương 3 và Mục 1,2 của Chương 4 Dự thảo về nội dung về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và giấy phép môi trường, mặc dù đã có nhiều đổi mới như trả lại bản chất cho ĐTM là công cụ dự báo chứ không phải công cụ quản lý như trước và quản lý dựa trên giấy phép môi trường là phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng nội dung đưa ra vẫn mang tính "vừa nhấn ga, vừa đạp phanh". Theo TS. Hoàng Dương Tùng, đối với đánh giá môi trường chiến lược, chúng ta đang thiếu thông tin dữ liệu. Dự thảo chưa quy định hoặc có điều khoản thể hiện sự cương quyết yêu cầu phải áp dụng công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, theo Luật BVMT 2014, các loại giấy phép như xả thải, khí thải, rác thải… vẫn đang được cấp riêng rẽ. Do vậy, dự thảo cần tích hợp các giấy phép trên vào trong một giấy phép môi trường nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính phức tạp cho tổ chức/doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần quy định rõ ràng các loại giấy phép; đơn giản hóa thủ tục, quy định để cấp giấy phép. Bên cạnh đó, dự thảo đề "Đánh giá sơ bộ tác động môi trường", còn trên thế giới chỉ có "Đánh giá tác động môi trường sơ bộ/chi tiết"; nếu dự thảo dựa theo "ngôn từ" của Luật Đầu tư là không đúng, mà Luật Đầu tư phải theo Luật Môi trường, chúng ta cần sửa lại. Đồng thời, cần thu hẹp đối tượng ĐTM...
Bà Nguyễn Thụy Khanh - Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) - kiến nghị, dự thảo chưa nêu rõ hoặc quy định cụ thể nhằm khai thác và phát triển ngành công nghiệp môi trường quốc gia. Muốn kiểm soát và quản lý tốt môi trường, phải có chính sách ràng buộc các đơn vị tổ chức đầu tư vào khoa học - công nghệ trong sản xuất và xử lý môi trường. Đồng thời, cần bổ sung vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào giám sát môi trường không khí liên vùng, tỉnh; tăng cường các công cụ kinh tế trong kiểm soát khí thải, phần này trong Dự thảo Luật chưa được làm rõ…
Cần có sự tham gia của các tổ chức và người dân
Theo ý kiến của tổ chức Green ID, Dự thảo Luật cần tăng cường sự tham gia của các bên, đặc biệt là của người dân trong công tác xây dựng, quản lý và thực thi quy định pháp luật. Cần phải có sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội hoặc cần một cơ chế khác làm cho người dân nắm rõ được các thông tin cần thiết trong đánh giá tác động môi trường.
Đối với việc phân công, phân cấp và quy định trách nhiệm giữa các cơ quan liên quan, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Cụ thể, để công tác bảo vệ môi trường được nâng cao và hiệu quả, quan trọng nhất là tăng cường nhận thức của tất cả người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý… Bên cạnh đó, là sự tham gia giám sát của tất cả các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và mỗi người dân.
Do vậy, việc phân công, phân cấp và quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội rất cần thiết. Tuy nhiên, Điều 186 Dự thảo Luật vẫn quy định chung chung sẽ không giải quyết được vướng mắc, chồng chéo và đặc biệt là không làm rõ được trách nhiệm của các cơ quan trong công tác bảo vệ môi trường.
Các chuyên gia cho rằng, nhiều quy định trong dự thảo chưa phù hợp với thực tiễn, khó khả thi so với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, như: Khoản 2, 3, Điều 13 về bảo vệ môi trường không khí; Khoản 7, Điều 23 về đa dạng sinh học; Khoản 3, Điều 27 về sức khỏe môi trường; Điều 55 về quản lý cụm công nghiệp; điểm C, Khoản 4, Điều 71 về quản lý các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; Khoản 1, Điều 135 về phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường…
Hà Thu