EU bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa covid-19
Dù vài nước như Đức, Hungary và Slovakia, đã bắt đầu tiêm vaccine sớm một ngày, việc 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) phối hợp cùng khởi động chiến dịch tiêm chủng Covid-19 nhằm đưa ra thông điệp thống nhất rằng vaccine hoàn toàn an toàn và đây là cơ hội tốt nhất giúp châu Âu đẩy lùi đại dịch, thoát khỏi khủng hoảng.
Với các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch, việc khởi động chiến dịch giống như lời kêu gọi tất cả 450 triệu người dân châu Âu nhanh chóng đi tiêm chủng để bảo vệ chính bản thân mình và cả những người xung quanh.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz gọi vaccine Covid-19 là yếu tố "thay đổi cục diện cuộc chơi". "Chúng ta đều biết rằng hôm nay không phải ngày đại dịch chấm dứt nhưng nó là khởi đầu của chiến thắng", ông nhấn mạnh.
Chuyên gia về virus hàng đầu Italy Domenico Arcuri đánh giá việc tất cả công dân trên toàn châu Âu cùng khởi động tiêm vaccine trong một ngày là hành động mang ý nghĩa biểu tượng to lớn, là "tia sáng đầu tiên sau đêm đen đằng đẵng". Tuy nhiên, Arcuri lưu ý rằng tất cả người dân vẫn cần "thận trọng, cảnh giác và có trách nhiệm". "Chúng ta còn cả một con đường dài phía trước, nhưng cuối cùng ta đã thấy chút ánh sáng", ông nói.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết với hàng loạt loại vaccine bổ sung đang được phát triển, EU sẽ có nhiều vaccine hơn số lượng cần thiết cho tất cả người dân vào năm 2021. Bà thêm rằng EU có thể chia sẻ lượng vaccine thừa với các nước vùng Tây Balkan hay ở châu Phi.
Tổng cộng, 27 nước EU ghi nhận ít nhất 16 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 336.000 trường hợp tử vong.
Tới cuối năm 2020, EU sẽ nhận được 12,5 triệu liều vaccine, và với hai liều mỗi người, đủ để tiêm cho khoảng 6,25 triệu dân.
Theo AP, ngoài Pfizer, Liên minh châu Âu đã ký hợp đồng với các công ty khác như Moderna và AstraZeneca để mua hơn 2 tỷ liều vaccine, và đặt mục tiêu rằng tất cả người lớn của khối sẽ được tiêm trong năm 2021.
Đức Linh