Gói niềm thương nhớ, gửi cố hương
“Có phải xa quê nên Tết lạ?”
Khi đất trời bắt đầu bừng lên sắc đào, phố phường tất bật người mua sắm, những con ngõ nhỏ thơm nồng nước rau mùi già…, cũng là lúc những người con xa Tổ quốc càng nhớ về quê hương, đợi chờ và ngóng trông ngày đoàn tụ. Với họ, Tết không cần quá cầu kỳ, hào nhoáng với cờ hoa, pháo đỏ, Tết chỉ đơn giản là được về nhà.
Chợ Tết của người Việt ở Mỹ. Ảnh: Los Angeles Times
Sinh ra và lớn lên tại vùng nông thôn phía Bắc, với Phương Thảo, sinh viên theo học tại trường Dortmund University of applied Sciences and Arts (bang Nordrhein-Westfalen, Đức), Tết là khoảng thời gian vô cùng quý báu và ý nghĩa. “Đó là lúc các thành viên trong gia đình tôi được quây quần đông đủ nhất, vì trong năm, anh chị em đều đi làm ăn xa, ở nhà chỉ có bố mẹ già. Xa nhà rồi tôi mới thấy trân quý khoảng thời gian ấy biết chừng nào. Cách người dân ở Đức đón năm mới hiện đại và nhộn nhịp lắm, nhưng tôi chỉ thèm được hít hà cái mùi khói bếp lúc mẹ nấu cơm, thèm nghe tiếng dế kêu đêm ngoài ruộng lúa, thèm được vui đùa bên lũ trẻ nhỏ trong xóm, Tết ở đây xa lạ quá...”, Thảo bồi hồi kể.
Ở nhiều nước, người Việt tổ chức các chương trình văn nghệ đón Tết sớm.
Còn với Đỗ Tiến, dù đã sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc gần 5 năm, nhưng nỗi nhớ về Tết Hà Nội vẫn luôn thường trực trong anh. Thêm một cái Tết nữa xa gia đình, thêm một lần người đàn ông vốn mạnh mẽ cũng trực trào nước mắt vì nhớ quê. Anh kể: “Tôi nhớ lắm cảm giác được thấy gương mặt bố rạng rỡ khi mua được cây đào ưng ý, thấy nụ cười tươi của mẹ vì lựa được con gà trống có mào đỏ tươi để cúng giao thừa, hay đơn giản là hình ảnh đàn em thơ ra đầu ngõ đứng ngóng anh về. Tết với tôi chỉ cần có vậy, nhưng năm nay vì dịch bệnh mà tôi lại chẳng thể về nhà”.
Ở nơi cách xa cả vạn dặm, điều buồn nhất đối với Phương Thảo, với anh Tiến và với những ai đang ở xa quê là không thể cảm nhận được không khí Tết một cách trọn vẹn. Bởi ở nơi đất khách quê người, dù có “phố thị đèn kết hoa, vẫn chẳng nơi đâu bằng nhà ta”. Không khí vui tươi ấy, rạo rực nhưng mộc mạc làm say mê lòng người ấy chỉ có thể đón chờ qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, và chiếc màn hình điện thoại.
Tết xa, Tết vẫn đậm tình
Đón Tết Tân Sửu 2021, vì tình hình dịch bệnh Covid-19, tuân thủ quy định, và để bảo đảm an toàn cho sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng, hầu hết, người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài không thể về quê. Ở nơi xứ người, họ vẫn sắm sửa chu đáo để ăn Tết cổ truyền theo phong tục, tập quán từ nghìn đời của người Việt. Cái Tết nơi đất khách chính là dịp để thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của những người con xa xứ.
Tết của những người con xa quê thật khác, vẫn có bánh chưng, vẫn có những bữa tiệc tất niên với đủ các món Việt Nam, nhưng mỗi người đều có những suy nghĩ, những nỗi nhớ nhà rất riêng.
Mâm cơm đón Tết của người Việt ở nước ngoài.
Lấy chồng và sinh sống tại Nhật, chị Khánh Huyền (quê ở Hà Nam) đã đón 3 cái Tết xa Việt Nam. Chia sẻ về điều đặc biệt mà chị nhớ nhất của Tết Việt, chị Huyền bồi hồi: “Khi còn ở Việt Nam, mỗi lần Tết đến, phải rửa lá dong, đãi hàng chục cân gạo, đỗ trong tiết trời rét buốt là một “cực hình”. Tuy nhiên, khi xa quê, có muốn được hưởng cảm giác đó cũng thật khó. Điều đó có lẽ đã dạy tôi biết trân trọng hơn những giây phút bình yên bên gia đình, người thân, biết nâng niu những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương”.
Người Việt xum họp đón Tết nơi trời Âu.
Hằng năm, cứ độ Tết đến Xuân về, người Việt Nam ở nước ngoài thường tụ họp nhau tại một địa điểm rồi cùng nhau gói bánh chưng, cắm hoa, nhâm nhi ly rượu chúc mừng năm mới, vật chất có thế thiếu thốn, nhưng tình cảm thì luôn đong đầy. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc quây quần đông người bị hạn chế, ắt hẳn nỗi buồn tủi, nhớ mong sẽ chất chứa hơn rất nhiều. Tuy không thể về nhà, nhưng những con người xa quê ấy vẫn góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, phát huy và lan tỏa văn hóa, bản sắc của người Việt ra với bạn bè thế giới, dù Tết xa nhưng vẫn thấm đẫm tình thương…
THẢO DIỆP