Hà Nội: Báo cáo nhanh về việc 2 ca tử vong sau gây mê tại Bệnh viện Trí Đức
SKM T - Tối 25/12, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo nhanh gửi lên Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội về sự cố y khoa xảy ra sáng cùng ngày tại Bệnh viện Trí Đức.
Một bác sĩ khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Cả hai trường hợp khi được chuyển đến bệnh viện tim đã ngừng đập. Các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu, hồi sức, ép tim… nhưng tim bệnh nhân đã không thể đập trở lại”.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết, ngay khi nhận được thông tin về hai ca tử vong qua đường dây nóng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội với trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn trực tiếp xuống kiểm tra, làm rõ vụ việc xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức. Bước đầu yêu cầu đình chỉ công tác phẫu thuật của kíp mổ cũng như toàn bộ công tác thủ thuật, phẫu thuật của bệnh viện này để làm rõ vụ việc.
Các đơn vị nghiệp vụ Công an Thành phố Hà Nội cũng phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng điều tra, làm rõ sự việc. Hồ sơ bệnh án cùng những vật chứng liên quan đã được cơ quan công an thu giữ.
Đồng thời Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Bệnh viện phải báo cáo toàn bộ công tác phẫu thuật, thủ thuật của toàn bệnh viện, ca phẫu thuật liên quan đến hai bệnh nhân này với Sở Y tế để Sở Y tế báo cáo UBND Thành phố và Bộ Y tế; phối hợp với các cơ quan liên quan để làm rõ nguyên nhân tử vong đáng tiếc này theo đúng các quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh này.
Tối 25/12, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo nhanh gửi lên Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội về sự cố y khoa xảy ra sáng cùng ngày tại Bệnh viện Trí Đức.
Theo đó bệnh nhân Quách Thị Mai P. (sinh năm 1979, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) được chẩn đoán đau 2 thùy tuyến giáp, có chỉ định phẫu thuật vô cảm bằng gây mê nội khí quản. Kíp phẫu thuật có 5 người.
Khoảng 8h 15 phút, bệnh nhân P. được tiêm Atropine 0.25mg, Midazolam 5mg, Solumedrol 40mg, (tiền mê). Sau đó 15 phút có sử dụng tiếp 100mg Diprivan và 30mg Esmeron.
Sau 30 giây, bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ và được tiến hành cấp cứu tại phòng mổ, sau đó được chuyển đến Khoa A9 – Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân thứ hai là anh Hoàng Văn T. (sinh năm 1982, Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) được đẩy vào phòng phẫu thuật sau ca của chị P. khoảng 30 phút để phẫu thuật nội soi xoang - cắt Amidal - chỉnh hình vách ngăn- nạo sùi vòm và cũng gây gây mê nội khí quản. Bệnh nhân T. bắt đầu được tiêm Atropin 0.25mg, Midazolam 5mg, Solumedrol 40mg (tiền mê) vào khoảng 8h40 phút. Sau 15 phút, bệnh nhân được sử dụng tiếp 120mg Diprivan và 30mg Esmeron.
Tương tự ca đầu tiên, kíp mổ cũng gồm 5 người và sau 30 giây tiêm thuốc này bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ, được tiến hành cấp cứu tại phòng mổ, sau đó được chuyển đến Khoa A9 – Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Như vậy, cả hai bệnh nhân này đều được sử dụng các loại thuốc giống nhau trong giai đoạn tiền mê và gây mê. Cả hai bệnh nhân đều có biểu hiện sốc sau 30 giây tiêm các thuốc ở giai đoạn hai.
T.L