Giải pháp phòng bệnh tim mạch đang trẻ hóa và gia tăng
Giải pháp phòng bệnh tim mạch đang trẻ hóa và gia tăng |
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế (năm 2023), tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% số ca tử vong. Nhiều nghiên cứu cho thấy, số ca tử vong do bệnh tim mạch cao hơn cả tử vong do ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đái tháo đường cộng lại.
TS.BS Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh tim mạch là một nhóm các bệnh lý về tim và mạch máu, bao gồm các bệnh mạch vành, bệnh lý mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh thấp tim, bệnh tim bẩm sinh, huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi.
Một trong những yếu tố nguy cơ đáng kể gây ra bệnh tim mạch là tăng cholesterol huyết. Theo khảo sát quốc gia về các yếu tố nguy cơ bệnh lý không lây nhiễm tại Việt Nam năm 2015, có 30% dân số Việt Nam bị tăng cholesterol toàn phần.
Điều này có nghĩa là cứ 10 người thì có 3 người bị tăng cholesterol, trong đó 35% là nữ và 25,2% là nam giới. Nhóm tuổi mắc nhiều nhất là từ 50-69 tuổi, tỉ lệ tăng cholesterol toàn phần ở nhóm dân số trên 50 tuổi là 44%.
Riêng đối với phụ nữ trên 50 tuổi, tỉ lệ người bị tăng cholesterol còn cao hơn rất nhiều. Trong một nghiên cứu trên 14.706 người Việt Nam đã chỉ ra có một sự gia tăng đáng kể cholesterol toàn phần ở phụ nữ Việt Nam độ tuổi 50. Cụ thể, có đến 53,2% phụ nữ Việt Nam trên 50 tuổi bị tăng cholesterol huyết toàn phần, tỉ lệ này ở phụ nữ dưới 50 tuổi là 25,4%. Đối với nam giới, có 34,3% người trên 50 tuổi bị tăng cholesterol huyết, tỉ lệ này ở nam giới dưới 50 tuổi là 26%.
Bên cạnh đó, cao huyết áp và cao đường huyết cũng là những "thủ phạm" làm gia tăng các bệnh lý tim mạch. Theo TS.BS Nguyễn Thị Hậu, cao huyết áp làm gia tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim cao gấp 3 lần và nguy cơ tử vong do đột quỵ cao gấp 4 lần so với người có huyết áp bình thường. Còn cao đường huyết cũng là tác nhân gây nên các bệnh lý tim mạch. Có khoảng 80% bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 tử vong đều có nguyên nhân từ bệnh tim mạch. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 có nguy cơ tử vong vì các bệnh tim mạch cao gấp 4 lần so với dân số chung.
Đặc biệt, các bằng chứng cho thấy, bệnh tim mạch đang ngày càng trẻ hoá. Bệnh tim mạch và các tai biến tim mạch (đột quỵ, nhồi máu cơ tim…) được phát hiện ngày càng nhiều ở lứa tuổi 25-40. Những lý do phổ biến gồm lạm dụng rượu bia; hút thuốc (cả chủ động lẫn thụ động); ít vận động; thừa cân, có tiền sử mắc các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp; stress, thức khuya, căng thẳng, bị áp lực về tâm lý…
Để có một trái tim khỏe, các chuyên gia khuyến cáo, cần chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Ăn nhạt, hạn chế đường, hạn chế đồ ăn nhiều mỡ, ăn nhiều rau xanh, cá… hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá…Việc bổ sung thực phẩm nhằm giảm thiểu các "yếu tố nguy cơ trung gian" gây ra bệnh tim mạch là tăng cholesterol huyết, tăng huyết áp, tăng đường huyết đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Đặc biệt, các nghiên cứu chỉ ra, các loại thực phẩm có chứa Plant sterols (sterols thực vật) giúp giảm cholesterol xấu trong máu. Mức tiêu thụ từ 1,5 g-2,4 g/ngày, có thể giúp giảm trung bình từ 7-10,5% cholesterol xấu. Tỉ lệ giảm này có ý nghĩa lâm sàng vì đã được chứng minh rằng việc giảm 10% cholesterol xấu dẫn đến giảm 10% nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
Còn các thực phẩm chứa Folate (vitamin B9) và vitamin B12 giúp hỗ trợ hệ tuần hoàn, tốt cho tim mạch. Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu khuyến cáo tiêu thụ liều lượng Folate (vitamin B9) hằng ngày ở mức 400 μg folic acid/folate góp phần vào quá trình tạo máu và duy trì mức homocysteine huyết bình thường; giúp động mạch và mạch máu dẻo dai, khỏe mạnh, giúp duy trì huyết áp bình thường; góp phần giúp hệ tim mạch khỏe mạnh.