Hà Nội: Bỏng bóng bay, 3 bố con nhập viện
(Suckhoemoitruong.com.vn) - Chia bóng bay bằng bật lửa cũng là lúc cả chùm hơn 30 quả bóng phát nổ, khiến 3 bố con anh Đức cùng một người cháu phải nhập viện vì bỏng.
Đi đám cưới một người thân về, lũ trẻ con nhà anh Đức ( Long Biên, Hà Nội) cầm theo chùm bóng bay bơm khí hydro lấy ở nhà hàng tổ chức tiệc cưới. Anh Đức liền lấy bật lửa đốt đoạn dây để chia bóng cho từng đứa. Ngọn lửa vừa bùng lên cũng là lúc cả chùm hơn 30 quả bóng phát nổ, cả ba bố con anh Đức và một đứa cháu bị bỏng nặng phải nhập viện Xanh Pôn cấp cứu.
Năm nào cũng vậy đặc biệt vào dịp lễ hội, Tết, đám cưới, khoa Bỏng, BV Xanh Pôn cũng tiếp nhận không ít trường hợp bỏng do nổ bóng bay. ThS.BS Nguyễn Thống, trưởng khoa Bỏng – BV Xanh Pôn cho biết, nạn nhân thường không bị bỏng sâu, bỏng nặng (như bỏng xăng, lửa) nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ vì thường bỏng ở vùng hở như mặt, cổ và tay.
Trường hợp gia đình anh Đức là điển hình. Vụ việc xảy ra vào dịp gần Tết năm trước. BS Thống cho biết, may mà gia đình nạn nhân mới chỉ chia bóng ở bên ngoài chứ chưa cho chùm bóng vào ô tô, nếu không hậu quả sẽ rất nặng nề.
Một trường hợp khác cũng nhập viện vào đúng đêm giao thừa năm Giáp Ngọ. Chị Nhu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng người thân đón năm mới ở Bờ Hồ. Đang đứng xem chùm bóng đủ sắc màu thì bất ngờ bóng nổ và bùng cháy khiến toàn bộ mặt, cổ, tay chị bị bỏng. Chiếc khăn chị đội trên đầu cháy xém, tóc cháy khét lẹt.
Cùng thời điểm này, các bác sĩ khoa Bỏng, BV Xanh Pôn cũng phải cấp cứu một bệnh nhân nam 25 tuổi, nhập viện vì bỏng do đứng gần chùm bóng bay bị nổ.
Theo BS Thống, đây không phải lần đầu những vụ tai nạn tương tự như vậy do bóng bay nổ gây ra.
Nhiều người cho rằng, trong bóng bay chỉ là không khí bình thường không có nguy hiểm gì hết. Tuy nhiên, nó chỉ an toàn với những quả bóng bay mà chúng ta tự thổi hơi của mình hoặc dùng bơm xe để bơm (loại bóng này không thể bay được).
Còn đối với những quả bóng bay bán ngoài đường có thể bay được thì đã được người bán hàng bơm bằng khí hidro, nên khi có áp lực, lại gặp nguồn nhiệt (tàn thuốc, bật lửa…) là có thể nổ và gây cháy bất cứ lúc nào, nhất là những quả bóng to do được bơm lượng khí nhiều.
Theo các chuyên gia khí hydro là loại khí rất nguy hiểm. Bởi hydro nhẹ, cấu trúc phân tử bé nên bơm vào bóng bay khiến thẩm thấu rất nhanh có thể nổ mà không cần nguồn lửa. Khi đã nổ thì gây áp lực mạnh, gây bỏng nặng thậm chí tử vong nếu lượng khí hydro nhiều.
Theo BS Thống, trẻ nhỏ là đối tượng bị bỏng do bóng bay nhiều nhất. Vì thế, khi trẻ chơi đùa với bóng bay, người lớn cần để ý, tránh để nguồn nhiệt gần bóng. Không nên để bóng bay ngoài trời nắng vì nhiệt độ cao sẽ khiến cho bóng bay nổ hay lưu trữ trong phòng kín bởi nếu không may chạm vào nguồn nhiệt như đèn điện,thậm chí chỉ là tàn thuốc lá cũng có thể phát nổ.
Trong trường hợp không may bị bỏng, nạn nhân cần được nhanh chóng loại bỏ những chất gây bỏng trên da. Tìm cách phân vùng bỏng theo mức độ, ngâm vùng bỏng vào nước mát ngay. Tuyệt đối không được bôi kem đánh răng hay bôi nước mắm lên vết bỏng sẽ dễ làm nhiễm trùng.
Sau khi sơ cứu, mọi người cần dùng gạc y tế, quấn lỏng quanh vùng bỏng để bảo vệ cho da không bị nhiễm trùng, sau đó nhanh chóng đưa tới bệnh viện.