Hà Nội: Khí thải từ phương tiện giao thông khó kiểm soát
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 6,6 triệu phương tiện cơ giới đường bộ, trong đó xe máy lên tới 6 triệu chiếc, tốc độ tăng trưởng hàng năm của ô tô là 11%, của xe máy là 6,75%. Phương tiện cá nhân tăng trưởng nhanh khiến kẹt xe – khí thải – ô nhiễm môi trường trở thành vòng luẩn quẩn mà người dân Hà Nội hàng ngày phải gánh chịu.
Đáng ngại ở chỗ, đối với hoạt động giao thông, phát thải từ các phương tiện tập trung chủ yếu từ hoạt động giao thông đường bộ và nó phụ thuộc vào chủng loại, chất lượng và nhiên liệu mà phương tiện sử dụng. Chẳng hạn, tác động từ động cơ diesel sẽ thải khói đen gấp 7,5 lần so với động cơ xăng nhưng các động cơ xăng gây phát thải chứa chì; động cơ sử dụng diesel không chứa chì, nhưng lại thải ra nhiều hạt lơ lửng trong không khí. Các chất gây ô nhiễm không khí phát sinh từ hoạt động giao thông đường bộ chủ yếu là CO, NOx, SO2, bụi (TSP)…
Phương tiện giao thông nhiều khó kiểm soát.
Đề cập đến ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông, theo nghiên cứu của nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Hoàng Dương Tùng, trong hàng triệu xe máy đang lưu thông hàng ngày trên địa bàn thì không ít trong số đó đã quá niên hạn sử dụng, phát tán khí thải gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí.
Theo ghi nhận thực tế tại các quận nội thành Hà Nội, số người sử dụng xe máy đặc biệt là những xe “quá đát” chủ yếu vào các khung giờ 3 – 5h sáng; 11h30-13h30 chiều và từ 22h đêm đến 3h sáng. Các loại phương tiện “quá đát” này phần lớn chỉ trơ lại bộ khung bằng sắt hoen gỉ, phần đầu trống hoác với mớ dây điện loằng ngoằng, không còi, không đèn chiếu sáng, đèn xi nhan, không gương.
Cần phải khẳng định, bên cạnh những nguyên nhân khách quan khiến chất lượng không khí tại Hà Nội ngày càng bị ô nhiễm thì một phần lại xuất phát từ nguyên nhân chủ quan từ việc một bộ phận người dân chưa nhận thức được đầy đủ vấn đề nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường. Nhiều người có thói quen sử dụng phương tiện trong một thời gian dài mà không có sự chăm sóc, sửa chữa. Trong khi vì mưu sinh, nhiều phương tiện đã quá cũ kỹ và hết hạn sử dụng, vẫn được người dân sử dụng để chở hàng hóa, nhiều người chưa có thói quen bảo dưỡng phương tiện định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Khách quan nhìn nhận, đã và đang có nhiều nghiên cứu chỉ ra những hệ lụy của môi trường tới sức khỏe con người và không ít bệnh tật mà con người phải gánh chịu xuất phát từ ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm không khí. Thế nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp tối ưu nào được đưa ra để giảm tác hại này.
Theo TS Nguyễn Thị Yến Liên – Khoa Môi trường và An toàn giao thông (Trường Đại học Giao thông Vận tải), qua nhiều nghiên cứu của các tổ chức Quốc tế cũng như các nhà khoa học, giao thông là một trong những tác nhân gây ô nhiễm do đó chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ những phát thải từ hoạt động này. Đặc biệt, cần hạn chế các phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng là một trong những giải pháp có thể áp dụng.
Theo đó, từ ngày 1/7/2008 thực hiện việc kiểm tra khí thải bắt buộc đối với xe ô tô đang lưu hành trên phạm vi cả nước. Trải qua nhiều năm thực hiện việc kiểm tra khí thải đối với phương tiện đang lưu hành, nhiều phương tiện cũ nát được thay thế bằng phương tiện mới có mức tiêu chuẩn khí thải cao hơn. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát khí thải đối với xe máy đang lưu hành do Luật Giao thông đường bộ chưa có quy định cụ thể đối với loại phương tiện này nên cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Phương Anh (T/h)