Hà Tĩnh: Hơn 10.600 ha lúa nhiễm đạo ôn
Số liệu báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho thấy, tính tới thời điểm này có 10.636 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, trong đó chủ yếu tập trung vào giống lúa Thiên Ưu 8. Hiện UBND tỉnh Hà Tĩnh đang “cầu cứu” Bộ NN&PTNT vào cuộc hỗ trợ. Về việc này, ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương phải làm rõ trách nhiệm.
Chủ động và quyết liệt?
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh ngày 13/2, bệnh đạo ôn xuất hiện và gây hại trên một số giống lúa ở giai đoạn bén rễ, hồi xanh trên diện tích 3,6ha. Đến cuối tháng 3/2017, số diện tích nhiễm đạo ôn tăng lên 2.024ha. Tuy nhiên, toàn bộ số diện tích này đã được phòng trừ kịp thời.
Tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh đạo ôn trên diện rộng, các ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành phun phòng bệnh cho khoảng hơn 1.000ha diện tích vùng phụ cận có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh: “Việc phun thuốc phòng trừ đạo ôn lá là hoàn toàn chủ động và quyết liệt, chỉ riêng huyện Nghi Xuân làm chưa thực hiện triệt để”.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, do diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá cao, tạo nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng đúng vào thời kỳ lúa làm đòng nên đã ảnh hưởng đến thời kỳ trổ bông rất nghiêm trọng.
Tính đến ngày 15/5, tỉnh Hà Tĩnh có 10.636 ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, trong đó riêng giống Thiên Ưu 8 chiếm tới 8.935,9 ha (84,1%)… Điều đáng nói trước đó, ngày 7/5, diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ô mới chỉ có 5.291ha, trong đó có 1.000 ha bị nhiễm nặng.
Thiên Ưu 8 là giống lúa chủ lực trong vụ Xuân 2017 ở địa phương, trong tổng số hơn 58 nghìn ha diện tích gieo cấy thì Thiên Ưu 8 chiếm hơn 18 nghìn ha (31,2% diện tích). Giống lúa này bị đạo ôn “ăn” nhiều nhất, giống được CCTT Hà Tĩnh công nhận là giống cây trồng nông nghiệp mới từ năm 2015.
Trước thông tin cho rằng nguyên nhân bệnh đạo ôn do giống, ông Thanh phủ nhận: “Bệnh do nấm gây ra, không phải do giống. Mấy năm nay Thiên Ưu 8 là giống tốt, bản thân nó cũng là nạn nhân bị nhiễm bệnh chứ không phải nguồn gây ra bệnh. Mất vụ này rất đau, đau vì không chỉ dân thiệt hại mà còn ảnh hưởng đến cơ cấu giống”.
Bệnh đạo ôn cổ bông bùng phát do thời tiết?
Trước sự việc trên, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã triệu tập cuộc họp khẩn với các địa phương và ngành liên quan vào sáng 14/5.
Trog cuộc họp, các ý kiến của lãnh đạo các huyện và ngành NN&PTNT đều cho rằng nguyên nhân khiến bệnh đạo ôn cổ bông bùng phát trên diện rộng là do thời tiết bất thường và diễn biến khó lường.
Tuy nhiên, ông Lê Đình Sơn lại có quan điểm khác, thời tiết năm nào cũng na ná nhau, không phải khác hoàn toàn nên đừng đổ do thời tiết cả.
Tại cuộc họp khẩn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương phải làm rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh. “Các anh làm đề án sản xuất cho vui, triển khai xong là xong. Giống về bao nhiêu, dân bỏ ra bao nhiêu, anh không nắm được thì chỉ đạo ở đâu. Công tác theo dõi dịch bệnh, dịch hại quá sơ sài. Dịch bệnh như vậy nhưng không có văn bản nào tham mưu tỉnh, UBND tỉnh cũng không có chỉ đạo. Đừng vội đổ lỗi cho nông dân chán ruộng, nếu dân chán tại sao ruộng khác vẫn tốt”, ông Sơn gay gắt.
Nói về trách nhiệm ngành, ông Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng: “Phải khẳng định, trong nông nghiệp, việc dự báo đối với dịch bệnh là rất khó, trong khi ngày 17/3, Sở NN&PTNT đã triệu tập cuộc họp toàn tỉnh đề bàn phương án đối phó với dịch bệnh, nhất là bệnh đạo ôn nhưng thực tế, sự việc năm nay rất khó lường. Đối với đạo ôn không nhìn thấy bào tử gây bệnh bằng mắt thường, khi phát hiện bệnh thì đã trở thành hậu họa. Bệnh đạo ôn chỉ có phòng, không có trừ”.
T.T (t/h)