Hiệu quả từ hoạt động thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp cơ sở ở Đồng Nai
Đồng Nai được chọn là 1 trong 9 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai thí điểm công tác này từ tháng 7/2019 đến hết tháng 7/2020. Địa bàn triển khai là huyện Long Thành và thành phố Biên Hòa. Theo Sở Y tế Đồng Nai, qua 1 năm triển khai, các cơ quan chức năng đã tổ chức 62 đoàn thanh, kiểm tra tại hơn 8.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể..., qua đó phát hiện và tiến hành xử lý, phạt tiền 81 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 368 triệu đồng. Các cơ sở vi phạm các lỗi như: Cơ sở kinh doanh gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ; sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép; người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang, không cắt móng tay, không mang bao tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín; vệ sinh trang thiết bị không sạch sẽ; nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm có côn trùng gây hại xâm nhập...
Ông Lê Quang Trung cho biết thêm, thông qua thời gian thực hiện thí điểm một năm, các cơ sở chế biến, kinh doanh đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Số vụ vi phạm về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh giảm dần, đặc biệt ở các cấp xã, huyện.
Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai đánh giá cao những kết quả trong thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ; nâng cao ý thức và thay đổi hành vi của những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở đề nghị các cơ quan chuyên môn tiếp tục phát huy công tác này trong thời gian tới để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện nhiều đoàn thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện tốt các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng đến mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng.
Lê Xuân