Hòa Bình: Triển khai xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm khí sinh học
Một trong những phương pháp xử lý chất thải trong quá trình chăn nuôi được ứng dụng đầu tiên và duy trì cho đến hiện nay chính là xây dựng hầm biogas. Hình thức này mang đến nhiều hiệu quả nhất định như chất thải từ quá trình chăn nuôi sẽ được đưa vào hầm biogas một cách trực tiếp nên không gây nên những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Mùi hôi của chất thải sẽ bị hạn chế, không gây ảnh hưởng đến môi trường đất, nước như khi xả thải trực tiếp ra môi trường như trước đây; Những chất có ảnh hưởng tới môi trường trong chất thải sẽ được giải quyết một cách triệt để, làm giảm đi hiệu ứng nhà kính tưởng chừng như chỉ xuất hiện ở thành phố lớn; Tạo ra lượng khí sinh học đặc biệt, có thể thay thế cho chất đốt truyền thống hoặc biến đổi thành điện năng sử dụng hàng ngày. Với những hộ chăn nuôi quy mô lớn thì có thể tiết kiệm tối đa chi phí điện năng, chất đốt cần thanh toán nhờ lượng khí sinh ra nhiều; Đàn vật nuôi có điều kiện phát triển khỏe mạnh, tránh được những dịch bệnh nguy hiểm có thể xảy ra, nâng cao năng suất và thu được lợi ích kinh tế cho bà con; Chất thải được xử lý tốt, lượng phân còn thừa sau biogas khi được xử lý thích hợp sẽ là nguồn phân bón có lợi cho cây trồng, phát triển mô hình VAC hiệu quả hơn. Hầm biogas còn là lựa chọn phù hợp với nhiều quy mô chăn nuôi lớn nhỏ khác nhau của bà con.
Ông Vũ Quang Thụy, xã Thịnh Minh, TP. Hòa Bình cho biết, với kết cấu khép kín và sử dụng triệt để nguồn chất thải trong chăn nuôi và sinh hoạt, hầm biogas đã góp phần giải quyết một trong những vấn đề bức xúc hiện nay ở các vùng nông thôn là tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao sức khỏe người dân thông qua việc giảm mùi hôi, ô nhiễm nguồn không khí, cải tạo nhà vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi. Thậm chí hầm biogas còn thay cả hố xí tự hoại như nhiều hộ gia đình áp dụng đã tiết kiệm chi phí cho gia đình hàng triệu đồng so với việc xây hầm tự hoại riêng.
Ảnh minh họa.
Xây dựng hầm biogas trong chăn nuôi là một trong những mô hình kinh tế tuần hoàn điển hình cho hộ gia đình. Sử dụng hầm biogas trong chăn nuôi là một hệ thống kinh tế tuần hoàn chính xác, thông minh, sử dụng tái chế, quay vòng sản xuất, chế biến và sử dụng nguồn tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu và triệt tiêu các loại chất thải ô nhiễm môi trường. Khi sử dụng hầm biogas trong chăn nuôi một cách sáng tạo, sẽ giúp cho các hộ gia đình, trang trại chăn nuôi nhỏ, lẻ không chỉ tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh những lợi ích nhận được thì hầm biogas cũng có những điểm hạn chế nhất định sau một thời gian dài sử dụng, đó là: Sử dụng hầm biogas phải kết hợp nhiều yếu tố, và tốn rất nhiều nước; Cần có khoảng đất rộng để xây dựng hầm ủ; Không thực sự an toàn khi sử dụng cũng như yếu tố vệ sinh không đạt chuẩn; Quá trình sử dụng dễ bị tắc nghẽn, thường xuyên dọn hầm tốn kém về chi phí; Dọn rửa chuồng nhiều lần cũng dễ làm cho vật nuôi mắc các bệnh về xương khớp; Theo thực tế, hầm biogas sau khoảng 1 đến 2 năm hoạt động, tất cả các công trình sẽ phát sinh váng. Nếu không biết cách phá váng thì hầm biogas sẽ phải bỏ hoang vì không sản sinh khí gas; Cần có phương pháp xây dựng cụ thể nếu không hiệu quả khi sử dụng không cao, dễ hư hỏng sau một thời gian sử dụng.
Mặc dù còn một số hạn chế, song không thể phủ nhận những lợi ích trong việc xây dựng biogas mang lại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn nhờ nguồn năng lượng sạch và phát triển chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường; phù hợp với xu thế phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, phát triển kinh tế xã hội và công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay.
THÀNH LONG