Khánh Hòa: Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ khai thác trái phép đất nông nghiệp làm nguyên liệu nhà máy gạch
Đoạn đường dân sinh bị băm nát do đoàn xe ben chở đất Nông nghiệp đi bán.
Trong những năm qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) để từng bước thay thế gạch đất sét nung, hạn chế sử dụng đất sét và than - nguồn tài nguyên không tái tạo, góp phần bảo vệ an ninh lương thực, tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải CO2. Ngoài ra, việc sử dụng phế thải của các ngành công nghiệp như tro, xỉ, mạt đá… để sản xuất VLXKN cũng góp phần giảm một lượng đáng kể các chất thải rắn ra môi trường.
Cũng theo đó, để đảm bảo vệ sinh môi trường, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm, ngày 16/4/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật liệu không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển VLXKN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các chính sách của Chính phủ thuộc phạm vi quản lý của từng Bộ, ngành, địa phương, nhằm khuyến khích sản xuất và ưu tiên sử dụng VLXKN, kể cả các sản phẩm tấm tường thạch cao và tấm 3D. Hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, tiếp tục xây dựng lộ trình phù hợp với từng địa phương để sớm chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí).
Đoạn đường Tỉnh lộ 5 đoạn nối tuyến đường vào khu dân cư, bụi đất do xe chở đất gây ra.
Để đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung thay thế gạch đất sét nung, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, tận dụng phế thải từ ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội. Gần đây nhất, ngày 25/12/2021 Thủ tướng chính phủ đã có Quyết định số 2171/QĐ/TTg về việc phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung tại Việt Nam đến năm 2030.
Theo quyết định này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất VLXKN theo công nghệ tiên tiến hiện đại, khuyến khích sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng. Hoàn thiện cơ chế liên quan đến quản lý chất lượng sản phẩm, chất lượng công trình sử dụng VLXKN. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đề xuất chính sách quản lý chặt chẽ đất nông nghiệp, “Nghiêm cấm việc khai thác đất sét từ đất nông nghiệp để sản xuất gạch ngói dưới mọi hình thức”.
Bụi bay mù mịt trên tuyến đường trong khu dân cư do xe chở đất gây ra.
Thực hiện chức năng tuyên truyền, giám sát và phản biện xã hội trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường triển khai Chuyên đề “Thực trạng ô nhiễm môi trường từ việc khai thác đất nông nghiệp trái phép” (Khảo sát thực tiễn tại tỉnh Khánh Hòa). Trong quá trình thực hiện Chuyên đề, phóng viên Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường nhận được nhiều phản ánh của người dân địa phương về việc hàng loạt xe tải vận chuyển đất trái phép từ đất nông nghiệp đi qua các tuyến đường trên địa bàn khiến đoạn đường bị xuống cấp, không chỉ ảnh hướng đến việc đi lại của người dân và các phương tiện qua lại mà môi trường cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình trạng trên diễn ra nhiều ngày liên tục khiến bụi đất mù mịt, trời mưa lại gây ra bùn lầy khiến người qua đường không khỏi ngán ngẩm, sợ hãi.
Ngay sau phản ánh của người dân, PV đã có mặt tại tuyến đường nối từ đường tỉnh lộ 5 khu dân cư thuộc thôn Tân Hưng và ghi nhận mỗi ngày có hàng chục chiếc xe ra vào chở đất từ cánh đồng thuộc thôn này đến nhà máy gạch Tuynel Ninh Xuân nằm cạnh quốc lộ 26 (thuộc địa bàn xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Sự xuống cấp của các tuyến đường cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường do bụi đất ở đây như người dân đã phản ánh.
Hình ảnh xe, máy khai thác đất nông nghiệp chở đi bán làm nguyên liệu gạch.
Để có cái nhìn khách quan và đa chiều, ngày 07/11, PV Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường đã có buổi làm việc với Thiếu tá Trần Trung Kiên, Trưởng Công an xã Ninh Hưng về tình trạng khai thác trái phép trên đất nông nghiệp làm nguyên liệu cho nhà máy gạch. Tuy nhiên, ông Kiên chỉ lập biên bản buổi làm việc, không cung cấp thêm bất cứ thông tin gì và đưa ra lý do: “Hiện tại Chủ tịch xã đang đi họp, tôi sẽ báo cáo lại đồng chí Chủ tịch UBND xã rồi thông tin lại với anh em (PV)”.
Dư luận đặt ra câu hỏi, liệu có hay không sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng? Đằng sau tình trạng khai thác trái phép trên đất nông nghiệp liệu có còn sự “bảo kê” nào khác?
Trước tình trạng khai thác đất nông nghiệp trái phép, gây thất thoát tài nguyên quốc gia, ô nhiễm môi trường cùng sự xuống cấp của tuyến đường gây mất an toàn cho người tham gia giao thông … đề nghị chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt để có những biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo môi trường sống, đồng thời, trả lại môi trường không khói bụi và lập lại trật tự an toàn giao thông cho người dân nơi đây.
Quang Toản – Đặng Đức